Cây lúa bây giờ vẫn là cây nông nghiệp chủ lực ở nước ta. Việt Nam vừa vươn lên vị trí dẫn đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới. Việt Nam tuy chưa là vựa lúa nhưng đã là nồi cơm của nhân loại...
Ảnh minh họa
Nhưng đã có một thời cây lúa khác với cây lúa bây giờ, đó là khi chưa cơ giới hóa đồng ruộng. Trước khi có máy sạ hàng thì người ta vẫn còn gieo mạ, nhổ mạ, cấy; trước khi có máy gặt đập liên hợp thì người ta phải gặt, phải cắt, phải đập, phải đạp lúa; trước khi có nhà máy sấy thì người ta vẫn phải phơi lúa trên từng tấm đệm bàng; trước khi có thể bán lúa ngay cho các doanh nghiệp xuất khẩu thì người ta phải ví trong các bồ đan bằng trúc... Cây lúa ngày xưa là để đảm bảo cái ăn cho từng gia đình, bây giờ cây lúa đã thành hàng hóa và để đảm bảo an ninh lương thực của từng địa phương, cho đất nước và là một mặt hàng xuất khẩu chiến lược.
Nhưng thời nào cũng vậy, để có được một hạt thóc, người nông dân phải đổi bằng bao giọt mồ hôi. Và đời người nông dân thời nào cũng vất vả, nhọc nhằn, chỉ có khác chút là sự lam lũ, sự lệ thuộc thiên nhiên bây giờ đã giảm đi nhiều...
Trong quy trình một mùa lúa, đầu tiên là gieo mạ. Trước đó phải ủ giống cho lên mọng (nảy mầm) rồi mới gieo trên một mảnh đất được cào kỹ bằng cái bồ cào tre (để tạo ra các rãnh cho rễ dễ bám). Mạ đủ ngày đủ tháng (tùy giống) thì nhổ và bó lại thành từng bó, cột bằng dây bập dừa (thân dưới của cây dừa nước). Có năm thiếu mạ, phải đi mua từ nơi khác, xâu lại hàng chục bó rồi thả xuống kinh trôi theo con nước về nhà. Mạ được bỏ trên cái cộ kéo đem rải trên chỗ sắp cấy. Khi cấy, phải có người đi “bỏ mạ” - mạ được rải xong phải mở lạt, bỏ từng nắm lớn theo các đường cấy. Chỗ nào đất cứng thì thợ cấy phải mang nọc để xoi một lỗ trên đất trước khi cắm nắm mạ vào.
Cấy xong phải nhổ cỏ, bỏ phân. Tuy lúa được cấy có hàng nhưng sau vài tuần thì lúa nở nhánh, ken đặc trên ruộng. Muốn nhổ cỏ phải bước cẩn thận. Cỏ nhổ xong thì theo dấu chân đó mà đi rải phân hoặc xịt thuốc. Khi lúa trổ đòng, phải canh nhổ những cây lúa đực - lúa không kết thành hạt. Suốt quá trình đó phải canh nước - nước quá nhiều thì phải xả bớt, chặt bờ mà xả không hết thì phải tát - nước thiếu thì phải lấy nước vô, nước không đủ thì phải tát bằng gàu tre...
Lúa bắt đầu chín thì phải canh đừng cho chim sẻ sà xuống ăn. Nhất là các đám ruộng lúa chín sớm, chim đáp xuống nhiều vô kể. Hồi nhỏ, nhiệm vụ của anh em chúng tôi thường là mang thùng thiếc, nắp xoong ra, phân công đến các bờ ruộng, gõ inh ỏi để đuổi chim đi. Lúa chín, rủi mà gặp đám mưa lớn thì lúa (lúa mùa, giống cao lêu nghêu) thường ngã rạp, khó cắt phải phải gặt bằng lưỡi hái có vòng hái bằng gỗ. Cái hái là một đoạn gỗ hình khuỷu tay có gắn một lưỡi liềm. Khi gặt, người ta kéo lúa đứng lên bằng vòng hái rồi mới cắt. Sau này có lúa giống mới, ngắn ngày, dáng thấp nên mới có thể dùng liềm cắt, tiện lợi hơn nhiều.
Lúa cắt hoặc gặt xong, được để trên rạ. Có những người đi sau ôm lúa lại xếp thành các bó. Nếu lúa dài thì thợ gặt sẽ cắt sát gốc một nắm lúa để làm dây bó lúa lại. Tùy sức khỏe mà bó một bó vừa phải, để vác hoặc dùng đòn xóc xỉa hai đầu để quảy đi. Lúa sau đó được gom lại để chở về bằng xuồng, rồi chất lên xe bò, xe trâu để đưa đến sân nhà. Nhà ai có sân rộng thì xếp lúa trên các tấm đệm để cho trâu bò đạp. Trâu bò được rọ mõm (để khỏi ăn) đi quanh đống lúa, lâu lâu được nghỉ để chủ nhà trở bề cho đến khi lúa chín (đã được đạp không còn sót hạt nào). Ai không có điều kiện mướn trâu bò thì để người đạp.
Cũng có một số người không đạp mà đập lúa. Họ quây bồ giữa ruộng rồi đập lúa vào một cái trục gỗ có nhiều răng, bên dưới có lót đệm. Đập tại ruộng thì thường chỉ ở những ruộng cạn và lúa không nhiều, nhưng sẽ tiện hơn, nhất là việc chuyên chở.
Lúa đã đập xong, được phơi trên các manh đệm bàng, có khi là các manh đơn (kích thước 2 m x 2 m) hoặc manh kép (2 hoặc 4 manh may lại với nhau). Lúa được can ra bằng cái trang - một tấm gỗ cỡ 20 cm x 40 cm có tra một cái cán dài bằng tre - lâu lâu được đảo, trở bằng một cái bồ cào. Còn rơm được vắt thành cây trước nhà. Kỹ thuật vắt rơm cũng thể hiện tay nghề của gia chủ. Các lớp rơm được xếp hợp lý để cây rơm chắc (không bị ngã đổ), chặt và khi rút rơm được dễ dàng. Lúc chất cao hơn đầu, người ta hay dùng cái mỏ sảy để vất từng mớ rơm lên. Với những cây rơm cao, người ta thường cắm một cây sào tre ở giữa để giữ cây rơm khỏi nghiêng ngã. Rơm được để dành nấu bếp hoặc cho trâu bò ăn vào mùa khô.
Lúa phơi khô sẽ đổ chứa trong bồ, thường đặt trong nhà. Phía dưới chân bồ có quần con cúi bện bằng rơm để chống chuột khoét. Nhà nào bồ lớn thì nhà có nhiều ruộng hoặc năm đó trúng mùa, mà cũng có khi là do có nguồn thu khác nên lúa mùa trước còn dư lại. Lúa đó không chỉ để đem chà thành gạo, để cho gà vịt ăn mà còn để xúc bán khi cần tiền xoay xài trong gia đình.
Tôi thấm thía làm sao câu: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”! Chuyện của ba mươi năm trước đã thế, chuyện xa hơn còn đắng cay hơn nhiều. Nên mỗi gia đình thường giáo dục trẻ phải biết quý trọng hạt cơm, hạt lúa, vì đó là hạt ngọc của trời ban cho con người. Thực tế đó, đạo lý đó bây giờ hình như đã nhạt nhòa rồi...
Trúc Giang (thesaigontimes.vn)
Không có nhận xét nào: