» » » Xuất khẩu gạo có tận dụng được cơ hội TPP?

Các nước EU và phần lớn các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo trong TPP đều có yêu cầu cao về mặt chất lượng, nhất là tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, bởi vậy các doanh nghiệp Việt lo nhiều hơn mừng.  

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL

Các hiệp định thương mại tự do được ký kết trong thời gian qua đã mở ra những cơ hội không nhỏ về thị trường xuất khẩu cho hạt gạo Việt Nam. Nhưng gạo Việt Nam lại đang khó tận dụng được cơ hội này... 

EU không phải là một thị trường tiêu thụ gạo lớn. Mỗi năm, khu vực này vẫn tự sản xuất được gần 3 triệu tấn gạo. Theo FAO, ước tính trong năm 2014, diện tích lúa được gieo trồng ở EU là 427.000 ha (chủ yếu tại Ý với 270.000 ha và Tây Ban Nha 110.000 ha), sản lượng 2,796 triệu tấn

Nhưng EU vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo, với lượng nhập năm 2014 vào khoảng 1,4 triệu tấn. Gạo xuất khẩu được sang EU sẽ có giá trị cao. Vì thế, nhiều nước xuất khẩu gạo đang đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường này. 

Những năm qua, trong khi gạo Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang những thị trường còn tương đối dễ tính, thì gạo Campuchia đã được xuất khẩu khá nhiều sang khu vực EU. 

Một con số thống kê cho thấy mỗi năm Campuchia xuất khẩu sang EU khoảng 250.000 tấn gạo (khoảng 22% thị phần gạo nhập khẩu của EU), và gấp tới cả chục lần Việt Nam. 

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, mấy năm qua, gạo Campuchia xuất khẩu sang EU có lợi thế hơn hẳn so với gạo Việt Nam, vì được hưởng thuế suất nhập khẩu là 0%

Bên cạnh đó, chất lượng gạo của Campuchia cũng đáp ứng được các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do nông dân nước này chỉ sản xuất 1 vụ và hầu như không dùng tới các loại thuốc hóa học. 

Nhưng đến thời điểm này, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết, gạo Việt Nam đã có thể cạnh tranh được về giá với gạo Campuchia trên thị trường EU. 

Ông Năng cho biết, theo Hiệp định nói trên, EU đã cấp hạn ngạch nhập khẩu 80.000 tấn gạo từ Việt Nam với thuế nhập khẩu 0%. Chính các nhà xuất khẩu gạo Campuchia đang lo lắng về điều này. Họ cho rằng trong thời gian tới, gạo Campuchia sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với gạo Việt Nam tại EU. 

Hiệp định TPP cũng mở ra cơ hội không nhỏ cho gạo Việt Nam, bởi trong 12 nước tham gia Hiệp định này, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn nhất, với lượng xuất khẩu hiện vào khoảng 6-7 triệu tấn/năm

Nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước TPP cũng không nhỏ. Theo ước tính của FAO, năm 2014, Malaysia nhập khẩu 1,1 triệu tấn gạo; Mỹ nhập khẩu 700.000 tấn, Nhật Bản nhập khẩu ổn định 700.000 tấn gạo/năm; Mexico nhập khẩu 700.000 tấn; Canada cũng có nhu cầu nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn gạo mỗi năm … 

Tại một hội thảo gần đây, bà Lê Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Nông Nghiệp GAP cho biết, có những nhà nhập khẩu Mỹ đang từ chối mua gạo Việt Nam, chuyển sang mua gạo Thái Lan vì họ cho rằng gạo Việt không an toàn bằng gạo Thái. 

Trong những thị trường này, Malaysia vốn là một trong những bạn hàng lớn của gạo Việt Nam thông qua các hợp đồng cấp Chính phủ, vả lại giữa 2 nước đã có lộ trình cắt giảm thuế quan theo các FTA trước đó, nên tiềm năng mở rộng thêm là không nhiều. 

Nhật Bản tuy chủ yếu nhập gạo hạt ngắn và hạt tròn (japonica), nhưng cũng có nhu cầu NK gạo hạt dài (indica) với lượng cần nhập khoảng 200.000 tấn/năm

Hiện nay, Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu gạo hạt dài từ Thái Lan. Do Nhật Bản vẫn duy trì được mức thuế cao với gạo nhập khẩu, nên gạo Việt Nam không có nhiều cơ hội tại thị trường này, nhất là khi còn thua kém đối thủ Thái Lan ở khía cạnh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. 

Riêng Mỹ và Canada, gạo Việt Nam có nhiều lợi thế để gia tăng xuất khẩu, với lượng gạo có thể xuất được sang 2 thị trường này lên tới hàng trăm ngàn tấn mỗi năm. 

Có thể nói, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và TPP đang mở ra thêm cơ hội không nhỏ cho hạt gạo Việt Nam. Thế nhưng, các nhà xuất khẩu gạo không những không lạc quan mà lại rất lo lắng về điều này. 

Nguyên nhân chính là do các nước EU và phần lớn các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo trong TPP đều có yêu cầu cao về mặt chất lượng, nhất là tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Ông Năng cho rằng, nếu vẫn sản xuất lúa lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay, thì e rằng trong hạn ngạch 80.000 tấn gạo được xuất khẩu vào EU với thuế suất 0%, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chẳng thực hiện được bao nhiêu. 

Còn ở Mỹ, năm ngoái, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu được sang thị trường này khoảng 70.000 tấn gạo. Nhưng thông tin từ một số doanh nghiệp cho thấy, nếu không kiểm soát được dư lượng chất bảo vệ thực vật, gạo Việt Nam sẽ càng ngày càng khó vào được thị trường Mỹ, kể cả khi có TPP.

Sơn Trang - Thanh Sơn (nongnghiep.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: