» » Sẽ dời chuẩn VietGap với cá tra đến cuối năm 2016

Theo Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, từ ngày 1-1-2016, doanh nghiệp, người nuôi cá tra phải nuôi theo tiêu chuẩn VietGap (thực hành nông nghiệp tốt), nhưng trước những khó khăn hiện tại, thời gian áp dụng quy định này sẽ lùi thêm một năm nữa và bắt đầu áp dụng từ ngày 1-1-2017.

Người dân đang thu hoạch cá tra - Ảnh: TL.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích nuôi cá tra trong năm 20145.500 héc ta, cung cấp cho thị trường hơn 1,1 triệu tấn cá. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm nay, diện tích nuôi cá tra giảm dần do nhiều người nuôi nhỏ lẻ thua lỗ, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm xuống dưới 20.000 đồng/kg. Vì thế, nhiều hộ nuôi đã chuyển sang hướng liên kết với các doanh nghiệp hoặc nuôi gia công cho doanh nghiệp thay vì tự đầu tư nuôi.

Nhờ liên kết nuôi cá tra theo chuỗi nên sản lượng cá tra 10 tháng đầu năm của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ước đạt 946.000 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ NN&PTNT, đến nay, chỉ có 50% diện tích nuôi cá tra ứng dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) trong khi diện tích nuôi cá tra được chứng nhận VietGap còn rất hạn chế.

Nguyên nhân là do một số tỉnh đến nay vẫn chưa hoàn thành các đề án quy hoạch vùng nuôi, chế biến cá tra, và vì thế ảnh hưởng đến việc thực hiện VietGap. Do đó, một số tỉnh, thành kiến nghị lùi lại thêm một năm nữa, tức là chỉ có hiệu lực sau ngày 31-12-2016, thay vì 31-12-2015 như ban đầu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp và người nuôi cá tra không nhất quyết phải áp dụng VietGap mà có thể áp dụng các tiêu chuẩn khác như GlobalGap, tiêu chuẩn ASC hoặc một tiêu chuẩn nào đó được các quốc gia nhập khẩu cá tra công nhận.

Lý do mà Bộ NN&PTNT muốn cá tra Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn VietGap là vì muốn những sản phẩm chế biến từ cá tra đều có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao uy tín cho sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thời gian qua, đã có một số lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng doanh nghiệp và cơ quan quản lý không tìm được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm từ hộ dân nào. Vì thế, VietGap một khi được áp dụng sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Hiện trên 90% sản phẩm cá tra phi lê của Việt Nam là dùng để xuất khẩu.

Ngọc Hùng (thesaigontimes.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: