» » » Lao đao vì chè Oolong nghẽn hàng - Kỳ II: Doanh nghiệp xuất khẩu khốn đốn

Chưa kịp phục hồi sau khi có tin đồn thất thiệt chè Lâm Đồng bị nhiễm chất Dioxin vào cuối năm 2014, nay ngành chè Lâm Đồng nói chung và sản phẩm chè Oolong nói riêng lại bị giáng thêm một “đòn” bởi quy định nghiêm ngặt đến bất hợp lý về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (đặc biệt là dư lượng chất Fipronil có trong sản phẩm chè Oolong). Điều này đã đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu chè Oolong vào cảnh khốn đốn.

Chè Oolong được phân loại, đóng gói nhưng chưa thể xuất bán

Thị trường bó hẹp 

Trao đổi về vấn đề  này, ông Đoàn Trọng Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết: “Trở ngại lớn nhất đối với việc xuất khẩu chè Oolong của Việt Nam từ trước đến nay là chỉ có duy nhất thị trường ở Đài Loan. Khi thị trường này có “vấn đề” thì việc tiêu thụ sản phẩm ngay lập tức gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi. Hiện tại, rào cản lớn nhất mà sản phẩm chè Oolong xuất khẩu đang gặp phải, đó chính là quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà phía đối tác đưa ra. Theo tiêu chuẩn quốc tế, dư lượng chất Fipronil cho phép là 0,005 ppm. Tuy nhiên, hiện tại, phía Đài Loan quy định dư lượng chất Fipronil có trong chè của Việt Nam không vượt quá ngưỡng 0,002 ppm. Trong khi đó, việc quản lý các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa chất Fipronil chưa được các ngành chức năng trong nước chú trọng. Cùng với đó, việc thống nhất giá cả thu mua sản phẩm chè Oolong búp tươi từ các công ty Đài Loan đang đánh mất tính cạnh tranh, khiến người dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm”. 

Những năm qua, các doanh nghiệp Đài Loan tại Lâm Đồng đẩy mạnh việc thu mua sản phẩm chè Oolong búp tươi nên người dân phát triển diện tích loại chè này ngày càng nhiều. Nhưng hiện tại, các doanh nghiệp này đang thắt chặt việc thu mua, nên người trồng chè đang gặp phải nhiều khó khăn. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước sản xuất chế biến loại chè này lại quá ít. Ông Teng Chao Chuan (tên thường gọi Đặng Triệu Toàn), Trưởng Thư ký Chi hội Thương mại Chè Đài Loan tại Việt Nam, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang có 28 doanh nghiệp sản xuất chè Oolong. Sản phẩm chè Oolong sản xuất tại Việt Nam khi xuất qua thị trường Đài Loan phải qua 3 lần kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nghiêm ngặt, gồm: Công ty trực tiếp thu mua, Hải quan Đài Loan và khách hàng nhập khẩu chè tại Đài Loan. Trong khi ở Đài Loan đã cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa chất Fipronil để bón cho cây trồng (trong đó có cây chè) thì Việt Nam vẫn chưa loại khỏi danh sách được phép sử dụng. Chúng tôi khẳng định, phía Đài Loan không cấm các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu chè Oolong sản xuất tại Việt Nam. Song, Đài Loan đang đưa ra những quy định nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật buộc các doanh nghiệp chè Oolong tại Việt Nam phải tuân thủ. Vì vậy, trong khi chờ đợi câu trả lời từ chính quyền địa phương về biện pháp để hạn chế dư lượng thuốc có trong sản phẩm chè, buộc các doanh nghiệp Đài Loan phải dừng việc thu mua nguyên liệu chè Oolong của người dân.  Hiện tại, tổng diện tích chè Oolong của 28 doanh nghiệp Đài Loan tại Lâm Đồng là trên 3.000ha. Theo thống kê, hiện đang còn hơn 2.000 tấn chè Oolong thành phẩm đang tồn kho không thể xuất bán sang Đài Loan”.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chè Oolong tại huyện Bảo Lâm đang tồn đọng một lượng hàng lớn tại kho

Đâu là giải pháp?

Theo ông Đoàn Trọng Phương, để giải quyết khó khăn trước mắt và lâu dài cho sản phẩm chè Oolong, tỉnh Lâm Đồng cần đặc biệt quan tâm, định hướng để người sản xuất chè tuân thủ các quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu chè Oolong ra nhiều nước trên thế giới, mà đặc biệt là thị trường châu Âu. Còn theo ông Teng Chao Chuan, ngoài việc đảm bảo chất lượng sản phẩm chè Oolong không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt quy định thì việc tuyên truyền, thuyết phục để phía đối tác Đài Loan hiểu về chất lượng của sản phẩm chè Oolong Việt Nam cũng cần được thực hiện sâu rộng. Vấn đề này đã được Chi hội Thương mại Chè Đài Loan tiến hành nhiều lần, nhưng đến nay hiệu quả chưa cao. Nếu điều này không được giải quyết sớm, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè Oolong Đài Loan tại Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều trở ngại.

Vào cuối tháng 7/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo Tìm giải pháp nâng cao chất lượng ngành chè, chủ động hội nhập quốc tế tại TP Bảo Lộc. Tại đây, nhiều báo cáo tham luận, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè Lâm Đồng và những hướng đi để sản phẩm chè Lâm Đồng có thể chủ động hội nhập quốc tế. Theo tham luận của Hội Khoa học và Công nghệ Chè Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sản phẩm chè Việt Nam còn hạn chế về tổ chức quản lý sản xuất, dẫn đến sản phẩm khó đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của thị trường và giá bán chỉ bằng 60 - 70% giá trung bình của thế giới. Do đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, nâng cao sức cạnh tranh thì cần có nhiều giải pháp hợp lý; trong đó, có giải pháp về công nghệ. Khi đã xác định được thị trường tiêu thụ, cần áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ như: Giống mới, quy trình chăm sóc mới, thiết bị và công nghệ chế biến mới… Tùy theo thị trường tiêu thụ mà người sản xuất lựa chọn một hay hai giống chè cho một loại sản phẩm để trồng, chăm sóc, thu hái theo kỹ thuật thích hợp để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn, đáp ứng được yêu cầu thị trường mà mình hướng đến. Trong khi đó, Hiệp hội Chè Việt Nam lại đưa ra “giải pháp cơ bản và chủ yếu nhất, làm tiền đề cho các giải pháp khác, là thiết lập hệ thống tổ chức sản xuất nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Đây là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp sản xuất được sản phẩm an toàn và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm”. 

Về phía tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng thực hiện xây dựng cánh đồng lớn và áp dụng VietGAP trên cây chè; xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ chè an toàn, đưa Lâm Đồng tham gia Dự án Xây dựng và Kiểm soát chất lượng chè (do Canada tài trợ). Còn theo Sở Công thương Lâm Đồng, ngoài các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước và các hiệp hội thì bản thân các doanh nghiệp chế biến chè cần chú trọng hơn nữa trong việc xây dựng thương hiệu Chè Việt. Có như vậy mới nâng cao giá trị xuất khẩu của chè Lâm Đồng trong thời gian tới.

Bài viết liên quan:


Hữu Sang - Khánh Phúc (Báo Lâm Đồng)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: