Trong số hơn 4,3 triệu tấn gạo đã được doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 thì khối lượng của giống Japonica chỉ chiếm hơn 1%. Vậy, có nên đưa giống này vào danh mục chọn làm thương hiệu gạo Việt Nam như đề xuất của VFA hay không?
Gạo Japonica xuất khẩu chỉ chiếm 1,08% tỷ trọng toàn ngành trong 9 tháng đầu năm 2015. Trong ảnh là nông dân Tiền Giang đang thu hoạch lúa - Ảnh: Trung Chánh
Báo cáo của VFA cho thấy tính đến cuối tháng 9-2015, doanh nghiệp hội viên VFA xuất khẩu được hơn 4,3 triệu tấn gạo các loại, trong đó gạo trắng chất lượng cao chiếm 27,55%; gạo thơm chiếm 25,01%; gạo trắng chất lượng trung bình chiếm 13,69%; gạo trắng cấp thấp chiếm 11,29%; tấm chiếm 9,43%; nếp 8,57%; gạo Japonica chiếm thấp nhất, chỉ 1,08% tỷ trọng toàn ngành.
Với tỷ trọng xuất khẩu thấp, có nên chọn giống lúa Nhật Japonica để bổ sung vào danh sách chọn xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam như đề xuất của VFA hay không? (xem thêm: VFA muốn thêm giống Japonica vào thương hiệu gạo Việt)
Trao đổi với TBKTSG Online xung quanh câu chuyện này, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, cho rằng VFA muốn chọn ba phân khúc để xây dựng thương hiệu gạo, gồm gạo thơm; gạo trắng chất lượng cao và gạo đặc sản. Theo ông Năng, giống Japonica được đề nghị đưa vào làm thương hiệu ở phân khúc gạo đặc sản; tuy nhiên, giống chọn xây dựng thương hiệu không phải là giống lúa Japonica của Nhật mà là loại giống do một đơn vị trong nước lai tạo ra, cũng có dạng hạt tròn như giống Japonica của Nhật.
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, một chuyên gia nông nghiệp, thì cho rằng giống lúa được ông Năng đề cập ở trên là giống DS1 do Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam lai tạo. Theo GS Xuân, dù giống DS1 có dạng hạt tròn tương tự với giống lúa Japonica của Nhật nhưng độ dẻo cơm của giống này không bằng giống Japonica của Nhật, “cho nên rất khó có thể xuất sang Nhật được, bởi họ không thể cuộn được với món sushi,” ông Xuân nói.
Tuy nhiên, theo GS Xuân, nếu vẫn quyết định chọn giống gạo hạt tròn này để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam thì nhất thiết phải có được những bằng chứng chứng minh giống này là của Việt Nam sản xuất, bởi nếu không có thể xảy ra tranh chấp.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, trước đó, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA, đã đề xuất đưa giống lúa Japonica của Nhật vào danh mục chọn xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam với hai lý do: thứ nhất, giống này có nhu cầu của thị trường, thứ hai điều kiện ở Việt Nam sản xuất được.
Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong số rất nhiều chỉ tiêu quyết định chọn một giống lúa để xây dựng thương hiệu thì quan trọng nhất là phải có sản lượng đủ lớn và được thị trường tiêu thụ chấp nhận.
Ông Lê Minh Trượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho rằng Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 - 7 triệu tấn gạo mỗi năm, trong đó phân khúc gạo trắng thông dụng (5%, 10%, 15% và 25% tấm) chiếm tỷ trọng rất lớn, trên dưới 70%. “Dòng gạo thông dụng của chúng ta (Việt Nam) đang có được vị trí như vậy, sao chúng ta không củng cố cái đang có?” ông Trượng đặt vấn đề.
Ông Trượng cũng cho biết có thể chọn xây dựng và phát triển thêm một vài giống gạo thơm và đặc sản khác. “Nhưng, dù chúng ta muốn xây dựng nó trở thành thương hiệu của địa phương, của doanh nghiệp hay quốc gia, thì phải thỏa mãn được ba yếu tố: thứ nhất, chất lượng phải cao, ngon, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng ở phân khúc cao cấp; thứ hai, số lượng phải đủ lớn; thứ ba, phải có giá cả cạnh tranh,” ông Trượng gợi ý.
Còn ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc tập đoàn Lộc Trời, cho rằng trong quá trình lựa chọn giống làm thương hiệu thì nhất thiết phải chọn loại giống nào có nguồn cung và thị trường tiêu thụ lớn, chứ không nên chọn những giống là đặc sản nhưng nguồn cung hạn chế.
“Một giống lúa tồn tại được phải đáp ứng ba yếu tố là: người tiêu dùng có chịu ăn không; nông dân có chịu trồng không và kinh doanh có hiệu quả hay không? Thiếu một trong ba yếu tố đó thì giống đó không phát triển được và thương hiệu đó cũng không thể phát triển được,” ông Dũng khẳng định.
Trung Chánh (thesaigontimes.vn)
Không có nhận xét nào: