Đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh Bình Thuận cơ bản đã kết thúc xuống giống lúa vụ mùa 2015. Hầu hết lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đòng - trổ, do vậy bà con tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng.
Tích cực thăm đồng
Sau những cơn mưa cuối mùa, từng cánh đồng lúa đang thì đẻ nhánh lại mướt xanh một màu. Điển hình tại Hàm Thuận Bắc, đến trung tuần tháng 10, toàn huyện đã xuống giống được 9.089 ha lúa/9.500 ha kế hoạch. Dù trên địa bàn một số xã vừa xuất hiện vài trận mưa lớn, gây ngập úng không ít diện tích lúa của nông dân địa phương, nhưng sau khi nước rút, nhiều chủ ruộng đã tập trung xuống đồng tháo nước, chăm sóc lúa. Ông Ba (xã Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc) là một trong số ít nông dân trồng lúa trên địa bàn, ngày cách ngày lại ra ruộng nhặt cỏ, thăm đồng. Bởi vậy mà mảnh ruộng của ông có phần xanh tốt hơn nhà bên cạnh. Ông Ba cho biết: “Nhà chỉ có vài ba sào ruộng nên rảnh là ông lại ra thăm. Qua trận mưa vừa rồi may mà ruộng tôi rút nước nhanh nên không ảnh hưởng đến cây lúa”.
Riêng tại huyện Tánh Linh, nông dân toàn huyện đã gieo trồng 8.155/7.800 ha kế hoạch. Hiện cây lúa đang ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Tánh Linh, trên các loại cây trồng có xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại ở mức độ nhẹ. Nông dân đã kịp thời phát hiện và chủ động phòng trừ theo hướng dẫn của Trạm Bảo vệ thực vật huyện. Mặt khác, hàng tuần Trạm Bảo vệ thực vật đều phân công cán bộ bám sát địa bàn, theo dõi chặt chẽ diễn biến của các dịch bệnh chính như rầy nâu, đạo ôn, vàng lá vi khuẩn… trên cây lúa. Từ đó hướng dẫn, khuyến cáo biện pháp phòng trừ kịp thời ngăn chặn sự lây lan trên diện rộng. Phòng Nông nghiệp huyện đang tiếp tục theo dõi công tác phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng vụ mùa 2015 các xã, thị trấn; tiến độ công tác bơm tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Phòng ngừa sâu bệnh hại lúa
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đến ngày 20/10/2015, toàn tỉnh đã xuống giống được khoảng 40.557 ha. Trên các trà lúa mùa 2015, rầy nâu gây hại nhẹ với diện tích nhiễm 170 ha, mật độ 750 - 1.500 con/m2, phân bố ở huyện Hàm Thuận Bắc trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ, giảm 10 ha so với tuần trước và giảm 52 ha so với cùng kỳ năm 2014. Ngoài ra, diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ là 470 ha, giảm 177 ha so với tuần trước và tăng 175 ha so với cùng kỳ năm 2014, phân bố tại huyện Đức Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong và thị xã La Gi. Bệnh đạo ôn lá gây hại giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ với diện tích 1.411 ha, giảm 120 ha so với tuần trước, phân bố trên toàn vùng trồng lúa của tỉnh. Ngoài ra, một số đối tượng gây hại khác như ốc bươu vàng, sâu đục thân và bệnh vàng lá vi khuẩn đang xuất hiện tại một số diện tích lúa trong toàn tỉnh.
Dự kiến trong thời gian tới, sẽ xuất hiện lứa rầy nâu mới phát sinh gây hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ tại các huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại trên trà lúa mùa giai đẻ nhánh - đòng trổ... Do đó, các địa phương phải theo dõi sát diễn biến sâu bệnh trên đồng ruộng, tình hình rầy vào đèn. Nếu mật số rầy nâu trên 3 con/tép thì tiến hành tổ chức phòng trừ kịp thời, phun các loại thuốc đặc trị và phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”. Cần theo dõi diễn biến rầy di trú từ những diện tích đã thu hoạch sang những diện tích lúa vụ mùa mới gieo sạ để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Mặt khác, nông dân cần thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện và đưa ra biện pháp phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu.
Bên cạnh việc tập trung chăm sóc lúa mùa ở giai đoạn này, theo khuyến cáo của ông Phạm Hữu Thủ - Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp & PTNT), dự báo cuối tháng 10/2015 có thể dứt mưa. Vì vậy, các địa phương cần ưu tiên nguồn nước, bố trí đủ để chăm sóc lúa. Mặt khác, đề xuất theo dõi, chỉ đạo sát việc bón phân đúng kỳ... để sản xuất vụ mùa đạt hiệu quả cao.
Kiều Hằng (Báo Bình Thuận)
Không có nhận xét nào: