Mới đây, việc 3 doanh nghiệp lần lượt rút khỏi dự án cánh đồng lớn tại Đồng Nai vì khó khăn về vốn cũng như thiếu điều kiện để tiếp cận hỗ trợ đang cho thấy nhiều bất cập trong việc triển khai mô hình này…
Ảnh minh họa
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT), 3 dự án không tiếp tục thực hiện gồm: Dự án cánh đồng lớn đối với cây chuối già cấy mô trên địa bàn huyện Trảng Bom của Công ty TNHH chế biến rau củ quả Toàn Cầu; Dự án cánh đồng lớn cây lúa trên địa bàn xã Long Phước, huyện Long Thành của Công ty TNHH xây dựng thương mại Thái Ninh Ðịa Long và Dự án cánh đồng lớn cây lúa trên địa bàn xã Phú Ðiền, huyện Tân Phú do Hợp tác xã Ðồng Thuận.
Khó tiếp cận hỗ trợ
Được biết, cả 3 dự án trên phải tạm dừng do các chủ đầu tư gặp khó khăn. Cụ thể, dự án cánh đồng mẫu lớn liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm chuối già cấy mô trên địa bàn huyện Trảng Bom với diện tích hàng trăm ha đang tạm dừng xây dựng, do đơn vị thực hiện không tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, đồng thời cũng không liên hệ với chính quyền địa phương để thực hiện dự án. Dự án cánh đồng lớn với cây lúa tại huyện Long Thành cũng tạm dừng do phía doanh nghiệp gặp khó khăn. Còn dự án cánh đồng lớn liên kết cây điều tại xã An Viễn (huyện Trảng Bom) đã được UBND tỉnh phê duyệt hiện đang triển khai rất chậm vì phía doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính.
Hiện Đồng Nai đang trong giai đoạn hình thành các mô hình “mẫu” cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh nên thực tế triển khai cả doanh nghiệp và phía chính quyền địa phương đều lúng túng. Theo các doanh nghiệp tham gia dự án cánh đồng lớn, một trong những khó khăn ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án là do chưa có quy hoạch chi tiết các vùng dự án nên diện tích vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; giá cả một số loại cây trồng tương đối cao như cây tiêu, cây bưởi.. khiến nhiều cây khác nằm trong các dự án không thể cạnh tranh được nên nông dân chặt bỏ.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là việc các doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách hỗ trợ. Hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ và chế biến nông sản, như: chính sách ưu đãi tín dụng; hỗ trợ kinh phí đầu tư thủy lợi, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; hỗ trợ kinh phí đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân… nhưng doanh nghiệp, nông dân vẫn khó tiếp cận các gói hỗ trợ này do thủ tục hành chính còn nhiều phức tạp, một số quy định trong chính sách chưa sát với thực tế…
Theo đó, khi quy định doanh nghiệp được hỗ trợ là phải có hợp đồng trực tiếp hoặc liên kết với các DN khác để cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, gắn với mua nông sản của hộ nông dân hoặc tổ chức đại diện của nông dân trong dự án cánh đồng lớn. Đồng thời phải có vùng nguyên liệu bảo đảm ít nhất 50% nhu cầu nguyên liệu và có hệ thống sấy, kho chứa, cơ sở chế biến bảo đảm yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo hợp đồng.
Nhưng thực tế cho thấy, yêu cầu doanh nghiệp đã có hệ thống sấy và kho chứa mới được hỗ trợ là quy định vô cùng khó khăn. Doanh nghiệp nông nghiệp thường không đủ vốn để đầu tư cho hệ thống sấy và kho bãi lưu trữ. Trong khi đó, các ngân hàng ngại tiếp vốn cho doanh nghiệp đầu tư nhà máy sấy vì nhà máy chỉ sử dụng công suất cho một năm hai vụ còn phần lớn là “thời gian chết” không sử dụng nên hiệu quả không cao.
Mặt khác, đối với vấn đề hỗ trợ đầu vào cho sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn, ngân hàng thương mại cũng ngại cho doanh nghiệp vay để mua lúa và phân đạm cung cấp cho bà con nông dân vì người nông dân có thể phá hợp đồng để bán lúa với giá cao hơn cho thương lái hoặc nếu bị mất mùa thì ngân hàng cũng không có khả năng thu hồi tiền từ doanh nghiệp do không có tài sản thế chấp.
Hiện doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ do thủ tục hành chính còn nhiều phức tạp, một số quy định trong chính sách chưa sát với thực tế.
Như vậy, trong khi không đủ năng lực triển khai lại không đủ điều kiện để được hỗ trợ và tiếp cận vốn khó khăn, cũng dễ hiểu khi các doanh nghiệp có xu hướng chuyển vốn đầu tư sang lĩnh vực khác có khả năng sinh lời cao thu hồi vốn nhanh thay vì đầu tư vào cánh đồng lớn vốn còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
Tìm cách tiếp sức
Theo Sở NN-PTNT, hiện vẫn rất khó thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng lớn. Trong khi đó, việc hàng loạt doanh nghiệp bỏ cuộc nửa chừng trong xây dựng cánh đồng lớn ảnh hưởng rất lớn đến chương trình chung phát triển các dự án cánh đồng mẫu lớn của tỉnh vì ảnh hưởng đến lòng tin của người dân trong xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp và làm “chùn bước” các doanh nghiệp đang “ngắm nghía” mô hình này.
Mới đây, trong buổi làm việc với các sở, ngành và các địa phương về tình hình triển khai chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã yêu cầu các sở, ngành và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, đồng thời tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình. Các địa phương tiếp tục cập nhật, bổ sung quy hoạch cánh đồng lớn để tạo điều kiện tổ chức thực hiện và các ngân hàng cần mạnh dạn rót vốn để các doanh nghiệp có điểm tựa triển khai dự án.
Bình Nguyên (Diễn đàn doanh nghiệp)
Không có nhận xét nào: