Nằm trong kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp lâu dài của tỉnh Đồng Nai, cây tiêu đang được đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và nâng cao tính bền vững...
Ông Thắng bên vườn tiêu áp dụng công nghệ cao cho năng suất 7 - 8 tấn/ha
Bền vững từ trong ý thức
Theo lời giới thiệu của Phòng nông nghiệp huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), chúng tôi đến thăm mô hình trồng tiêu của ông Trần Hữu Thắng (ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc), Giám đốc hợp tác xã hồ tiêu Xuân Thọ, đồng thời cũng là hộ gia đình đi tiên phong trong việc phát triển mô hình tiêu bền vững của huyện.
Ông Thắng cho biết: “Để trồng tiêu bền vững, cần chú trọng vào 2 vấn đề: Thứ nhất là phòng trừ dịch bệnh, hai là tăng cường sử dụng phân hữu cơ”.
Theo ông, với bất kỳ tầng đất hay trong bất cứ điều kiện thời tiết, khí hậu như thế nào, đã xác định trồng và đầu tư vào tiêu, thì phải nắm thật rõ về những căn bệnh mà hồ tiêu có thể mắc phải. Ông Thắng tính toán, để đầu tư trồng 1 ha hồ tiêu, phải bỏ số vốn tối thiểu 250 triệu đồng trong suốt 3 năm trời.
Trong quãng thời gian này cũng như giai đoạn về sau, cây tiêu sẽ là mục tiêu tấn công của rất nhiều loại nấm bệnh nguy hiểm, đặc biệt là nấm Phytophthora, tác nhân chính gây bệnh chết nhanh chết chậm.
Lúc này, để đảm bảo cây đủ sức khỏe, nông dân phải tích cực phòng bệnh vào hai thời điểm: Đầu mùa mưa và đầu tháng 8 dương lịch. Vào thời điểm đầu mùa mưa, lượng mưa tương đối ổn định, tạo điều kiện cho cây tiêu phát triển mạnh, nấm Phytophthora cũng theo đó thâm nhập và tạo mầm bệnh.
Chính vì thế, phải tập trung phun thuốc cho cây tiêu và thường xuyên thăm cây nắm bắt tình hình. Còn vào tháng 8 thời điểm mưa ngâu, mưa nhiều, nước đọng lại vào bộ rễ sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển và lây lan sang các cây khác.
Do đó, ngoài việc phòng ngừa bằng thuốc, người dân cần tạo ra các rãnh thoát nước ở vườn, đồng thời tạo độ dốc từ gốc tiêu xuống rãnh để nước thoát hết.
Sau giai đoạn phòng bệnh hiệu quả, ông Thắng mới hướng tới việc bón phân. Ông áp dụng lồng ghép 50% phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng và 50% phân hóa học. Theo ông tìm hiểu, phân bón hóa học tuy có tăng về năng suất, nhưng lại khiến cây nhanh mất sức, tuổi thọ cây bị rút ngắn; đồng thời phá hủy tầng đất, khiến đất bị chua, rất khó để khôi phục đất như thời điểm ban đầu.
Ông Thắng nhấn mạnh: “Một cây tiêu sử dụng phân bón hóa học chỉ sống được chừng 8 - 10 năm là chết, còn vườn tiêu của tôi đến nay đã hơn 20 năm, chưa phải thay mới lần nào.”
Áp dụng công nghệ cao
Là người đi tiên phong trong việc áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm cho hồ tiêu, ông Thắng tự mày mò, nghiên cứu, đồng thời cải tiến hệ thống này theo địa thế vườn của mình.
Theo ông, những năm đầu trồng tiêu, do thiếu nước tưới trầm trọng, bản thân ông phải dẫn nước từ suối cả km mới về tới vườn mà vẫn không đủ tưới. Thời điểm đầu tưới thủ công cực vô cùng, đi phun, xịt từng gốc tiêu, cả hecta mất nguyên ngày trời mới xong. Chưa kể, tưới nước bằng tay khiến cho lượng nước tưới ở mỗi gốc tiêu không đều nhau, cây đủ cây thiếu, thành ra năng suất thấp.
Năm 2006, ông Thắng thử nghiệm hệ thống tưới nước tiết kiệm cho vườn tiêu. Ngay khi sử dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm theo chỉ dẫn của Trạm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai, ông nhận thấy hiệu quả rõ rệt. “Trước mắt là công cán đã giảm mạnh, chỉ cần bấm nút là cả vườn tiêu được tưới đều, căn đúng thời gian cây đủ nước rồi tắt công tắc là xong. Còn năng suất thì tăng gấp đôi, đạt tới 7 - 8 tấn/ha”, ông khoe.
Không chỉ là một nông dân xuất sắc về trồng tiêu, ông Trần Hữu Thắng còn liên kết được hàng chục hộ nông dân lại, bán tiêu trực tiếp cho các doanh nghiệp, nhà máy mà không thông qua thương lái. Để đáp ứng việc tiêu thụ một cách ổn định, lâu dài cho bà con nông dân, hợp tác xã hồ tiêu Xuân Thọ do ông Thắng làm Giám đốc được thành lập.
Ông cho biết: “Trong một thời gian dài, người nông dân chúng tôi bán qua thương lái chịu ép giá, chịu cắt xén số lượng đủ kiểu. hợp tác xã hồ tiêu Xuân Thọ thành lập đã trở thành đầu mối thu mua hồ tiêu cho bà con, liên kết và bán trực tiếp với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo sự ổn định, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đang cho người nông dân”.
Trong năm 2015, hợp tác xã hồ tiêu Xuân Thọ đã làm việc, ký hợp đồng với một số công ty hồ tiêu của Ấn Độ có cơ sở tại Việt Nam, và đã tiêu thụ được trên 100 tấn.
Ngô Trường (nongnghiep.vn)
Không có nhận xét nào: