“Yếu tố quyết định là sản phẩm thịt sản xuất trong nước phải có giá bán không cao hơn nhiều so với nhập khẩu và đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Nếu giá thành cao thì sẽ tạo cơ hội cho số lượng khá lớn thịt gia súc, gia cầm nhập vào Việt Nam và ngành chăn nuôi sẽ bị thua đau ngay trên sân nhà”. TS. Đoàn Xuân Trúc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam - đã cảnh báo như vậy tại hội thảo “Tác động của TPP và Hội nhập kinh tế tới ngành chăn nuôi Việt Nam” do Cục Chăn nuôi phối hợp cùng Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức vào ngày 16/10 tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công thương tỏ ra lạc quan về những điểm sáng của ngành chăn nuôi khi gia nhập TPP. Ảnh: Kh.V
Những “nút thắt” lớn
Ngành chăn nuôi gia nhập TPP với “gia tài” là hệ thống chuồng trại manh mún, nhỏ lẻ. Trong số 4.131,6 ngàn hộ nuôi heo, thì số hộ nôi quy mô nhỏ dưới 10 con/hộ chiếm tới 86,4% tổng số hộ nuôi. Tương tự như vậy, trong tổng số 7.864,7 ngàn hộ, thì số hộ nuôi quy mô dưới 100 con chiếm tới gần 70%. Chăn nuôi nông hộ theo quy mô nhỏ thường chịu rủi ro rất lớn về dịch bệnh. TS Đoàn Xuân Trúc cũng khẳng định: Chăn nuôi ở Việt Nam có năng suất quá thấp. Chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, công nghệ chăn nuôi lạc hậu, chi phí đầu vào cao, dịch bệnh thường xuyên đe dọa, liên kết chuỗi trong chăn nuôi yếu, quá nhiều khâu trung gian… đã khiến giá thành thịt, trứng, sữa và các nông sản khác ở nước ta “đội giá” lên tới 9-11%, rất khó cạnh tranh. Năng suất lao động ở nước ta ở mức thấp. Trong khi ở Mỹ, 1 lao động có thể “quản” trang trại có quy mô 1.000 heo nái, thì ở Việt Nam phải cần tới 15 -20 lao động.
TS.Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NNPTNT - cũng bày tỏ lo ngại khi năng suất, chất lượng đàn giống của Việt Nam chưa đạt yêu cầu, chăn nuôi heo mới đạt 17 - 20 con cai sữa/nái/năm. Trong khi đó, năng suất sinh sản heo của Đan Mạch là 31 - 33 con cai sữa/nái/năm. Bên cạnh đó, công tác quản lý dịch bệnh tuy được triển khai nhưng còn nhiều yếu kém, chi phí phòng chống dịch cao, chiếm từ 5 - 10% tổng chi phí đầu vào.
TS.Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn - nuôi cho rằng, quá nhiều khâu trung gian trong khâu phân phối sản phẩm là không cần thiết, đây chính là yếu tố khiến chúng ta khó cạnh tranh khiến giá nông sản bị đẩy lên cao khi phải qua 5-7 khâu trung gian kiếm lời bằng cách mua đi bán lại. Chính phải qua 5-5 khâu trung gian (trong khi ở nước ngoài chỉ 1-2 khâu trung gian) đã khiến cho sản phẩm có thời gian bị “giữ chân” quá lâu trước khi đến tay người tiêu dùng. Chưa kể, trong quá trình vận chuyển, mua đi bán lại đó, thực phẩm đã được "gia cố" bằng những phụ gia độc hại.
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam - bức xúc: "Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thiếu trầm trọng phải phụ thuộc vào nước ngoài, khiến các doanh nghiệp trong nước chịu mọi rủi ro, trong đó rủi ro về tỉ giá, nhất là đồng đôla Mỹ, khiến ngành chăn nuôi Việt Nam và ngành sản xuất thức ăn chăn luôn thường trực rủi ro”.
Biến “thách thức” thành “cơ hội”
Một cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng. Ảnh: Kh.V
Theo Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh: “TPP là hiệp định cấp cao nhất với cam kết xoá bỏ thuế quan về 0% nhưng có lộ trình với Việt Nam. Ngành chăn nuôi có ít nhất 10 năm (kể từ 2015 - PV) để chuẩn bị trước khi sức ép của cuộc chơi mới thực sự tác động”. Lợi dụng cơ hội đó, ngành chăn nuôi Việt Nam phải nhanh chóng tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất và hạ giá thành nông sản, kể cả “đặc sản” lợn cắp nách, gà đồi, vịt chạy đồng…
Theo Cục Chăn nuôi - Bộ NNPTNT, cần gia tăng việc nhập các giống tiên tiến của các nước phát triển như lợn của Đan Mạch, Mỹ, Canada, Đài Loan; bò của Úc, Mỹ… nhanh chóng tăng nguồn gen có chất lượng tốt trong chăn nuôi, xây dựng rộng rãi các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng quản lý chất lương ISO, xây dựng thương hiệu sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm; trình xây dựng và phát triển thương hiệu giống bản địa như lợn Móng Cái, gà đồi Yên Thế, gà Đông Tảo, gà Hồ, gà Mía... Mặt khá, Nhà nước tạo điều kiện bằng các chính sách hỗ trợ đăng ký thương hiệu.
TS. Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi - cũng cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trong việc nuôi bò giống có chất lượng cao để phối giống trực tiếp, duy trì ổn định nguồn bò sữa.
Còn theo ông Lê Bá Lịch, để ngành chăn nuôi phát triển, cần chủ động về nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng, Nhà nước cần dành quỹ đất để trồng cây thức ăn chăn nuôi để thay dần thức ăn nhập khẩu. Đồng thời, phải mở rộng quy mô chuồng trại. Ở các nước, người ta nuôi hàng chục nghìn gia súc trong rừng. Tại sao chúng ta không học mô hình này, khi diện tích rừng của chúng ta rất lớn, có thể tạo điều kiện để chúng ta chăn nuôi hàng nghìn con gia súc, gia cầm sạch” - ông Lê Bá Lịch đặt câu hỏi.
Khánh Vũ (Báo Lao Động)
Không có nhận xét nào: