Nhằm giúp người trồng rau màu có thu nhập ổn định và từng bước sản xuất theo yêu cầu của thị trường, ngành nông nghiệp Đồng Tháp triển khai mô hình sản xuất rau an toàn tại nhiều huyện, thị. Bước đầu, mô hình mang lại chuyển biến tích cực trong thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Tuy nhiên, rau an toàn đến được người tiêu dùng thì vẫn còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ.
Nông dân thu hoạch rau an toàn
Thời gian qua, huyện Lấp Vò đã triển khai mô hình thí điểm “Sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ”, quy mô 8.000 m2 ở tổ hợp tác rau an toàn xã Định An. Tham gia mô hình, các hộ trồng rau được hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn sinh học, có ghi sổ nhật ký sản xuất và có cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho tổ hợp tác hoạt động tốt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lấp Vò còn hỗ trợ nhà lưới, hệ thống tưới tự động, nhà sơ chế máy khử ozone, bao bì... cũng như liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm tại các điểm chợ trên địa bàn huyện.
Ông Kiều Thiện Kê - Phó Chủ tịch xã Định An cho biết, hiện tại tổ hợp tác có 4 thành viên với diện tích sản xuất 8.000 m2, đây là những hộ tâm huyết với sản xuất rau an toàn tại địa phương. Tuy nhiên, để chuyển từ kiểu sản xuất nông hộ sang làm ăn tập thể, bước đầu tổ hợp tác vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc sắp xếp lịch sản xuất hợp lý, theo yêu cầu của thị trường. Do đó, địa phương cử cán bộ nông nghiệp của xã kết hợp Trạm bảo vệ thực vật của huyện xuống theo sát tình hình sản xuất của tổ hợp tác để có những hỗ trợ kịp thời, nhằm giúp tổ hợp tác tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ.
Hiện tại, tổ hợp tác trồng trên 10 loại rau, chủ yếu là rau ăn lá như: rau muống, cải ngọt, cải xanh, mồng tơi... và một số loại khác như dưa leo, khổ qua, đậu bắp. Trung bình mỗi ngày tổ hợp tác cung cấp khoảng 100kg rau tại 4 điểm chợ: Vàm Cống, chợ thị trấn Lấp Vò, chợ Định An, Định Yên. Trước khi giao tới các điểm chợ, rau được sơ chế và test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại tổ hợp tác.
Chị Nguyễn Thị Bích Nhờ - tiểu thương chuyên bán nông sản tại chợ Lấp Vò cho biết, không riêng người tiêu dùng có thu nhập cao quan tâm tới sản phẩm rau an toàn mà phần lớn người tiêu dùng bắt đầu tìm đến sản phẩm rau an toàn ngày càng nhiều hơn. Sau hơn 1 tháng bán thử nghiệm, khách hàng có phản ứng rất tốt và đánh giá cao chất lượng rau của tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Định An. Nhiều khách hàng đề nghị tổ hợp tác nên cung cấp đa dạng sản phẩm hơn nữa để người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xã Định An chia sẻ: “Thời gian tới, tổ hợp tác sẽ mở rộng diện tích nhà lưới và sản xuất đa dạng sản phẩm hơn. Tuy nhiên, với số thành viên và diện tích hiện tại của tổ hợp tác thì vẫn còn hạn chế. Vì vậy, tổ hợp tác đang vận động nông dân tham gia vào tổ hợp tác để có được vùng sản xuất ổn định và đa dạng sản phẩm hơn”.
Rau an toàn được bày bán ở chợ thị trấn Lấp Vò
Ông Tô Minh Lộc - Trưởng trạm Bảo vệ Thực vật huyện Lấp Vò cho biết, vấn đề khó khăn nhất hiện nay khi triển khai mô hình rau an toàn là việc vận động người nông dân tham gia sản xuất theo quy trình của mô hình. Với tập quán sản xuất theo kiểu “mua đứt bán đoạn”, sản xuất theo mô hình nông hộ, người nông dân vẫn còn ngần ngại khi tham gia sản xuất theo mô hình liên kết. Do đó, ngành chuyên môn rất cần có sự hợp tác từ chính quyền địa phương nhằm tuyên truyền và vận động nông dân thay đổi tư duy sản xuất. Sau khi mô hình thí điểm ở xã Định An hoạt động ổn định, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn. Bước đầu, rau an toàn sẽ được cung cấp tại các điểm chợ truyền thống trên địa bàn huyện. Tiếp theo, sẽ hướng liên kết với các điểm trường học, khu công nghiệp nơi có bếp ăn tập thể để tìm đầu ra ổn định hơn cho sản phẩm rau an toàn.
Để mô hình sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ phát huy được hiệu quả, rất cần có sự nỗ lực của các thành phần tham gia trong chuỗi sản xuất. Trong đó, người nông dân cần phải chủ động cùng nhau hợp tác, gắn kết thành những tổ chức sản xuất lớn như: tổ hợp tác, hợp tác xã; cần thay đổi tập quán sản xuất để thích ứng với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, nhằm tạo “sức bật” cho người nông dân thì chính quyền địa phương và ngành chuyên môn là những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của mô hình.
Mỹ Lý (Báo Đồng Tháp)
Không có nhận xét nào: