» » » Hội nghị 'Phát triển chăn nuôi gà giai đoạn 2015 - 2020'

Sáng 21/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị phát triển chăn nuôi gà giai đoạn 2015-2020.

Hội nghị phát triển chăn nuôi gà giai đoạn 2015-2020 (Ảnh: BT)

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho biết, nhìn chung, tổng đàn gia cầm, trong đó gồm đàn gà và đàn thủy cầm những năm vừa qua có xu hướng tăng liên tục. Cụ thể, số lượng gia cầm tăng từ 300,5 triệu con năm 2010 lên 314,8 triệu con năm 2013 và đạt 334,1 triệu con năm 2015. Trong đó, số lượng gà tăng từ 218,2 triệu con năm 2010 lên 231,7 triệu con năm 2013 và đạt 245 triệu con năm 2015. Đồng thời, sản lượng thịt gia cầm hơi và sản lượng trứng gia cầm đều tăng bình quân lần lượt là 9,31%8,61% trong giai đoạn từ 2010-2015.

Bên cạnh đó, về hình thức chăn nuôi, phổ biến là chăn nuôi trang trại và chăn nuôi nông hộ, đặc biệt chăn nuôi trang trại đang có xu hướng phát triển nhanh. Tính đến năm 2012 cả nước có 8.838 trang trại chăn nuôi gia cầm, chiếm 65% tổng số trang trại chăn nuôi trên cả nước, riêng chăn nuôi gà có 6.970 trang trại. Với chăn nuôi nông hộ, hiện nay chăn nuôi gia cầm vẫn chiếm chủ yếu về số đầu con và sản lượng thịt hơi sản xuất cung cấp cho thị trường (chăn nuôi gà trong nông hộ chiếm khoảng 70% về đầu con và 60% về sản lượng).

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Hoàng Thanh Vân, hiện nay, việc chăn nuôi gà vẫn còn nhiều khó khăn. Riêng về công tác quản lý nhà nước, chưa có hệ thống đồng bộ quản lý nhà nước về giống vật nuôi từ Trung ương đến địa phương; hệ thống văn bản phục vụ cho quản lý nhà nước về giống vật nuôi còn thiếu hoặc không còn phù hợp. Về giống gà, năng suất, chất lượng con giống nhìn chung còn thấp, chất lượng giống của một số cơ sở không đảm bảo chất lượng. Về tổ chức sản xuất, việc liên kết sản xuất còn chưa hoàn chỉnh, chưa gắn sản xuất với giết mổ, chế biến với thị trường; giá cả phụ thuộc vào thương lái. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khâu sản xuất giống còn thấp, sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Báo cáo tại Hội nghị về công tác phòng chống dịch bệnh gia cầm và xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu, Cục Thú y cho biết, trong gần 8 tháng đầu năm 2015, bệnh cúm gia cầm H5N1 và H5N6 đã xuất hiện tại 13 xã, phường của 13 huyện, thị xã thuộc 10 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2014, diện dịch và mức dịch giảm nhiều, cụ thể, số xã có dịch chỉ bằng 6,5%, số tỉnh có dịch chỉ bằng 27,3% và số gia cầm chết và buộc phải tiêu hủy chỉ bằng 3,8% so với năm 2014.

Đồng thời, về công tác quản lý kiểm soát giết mổ gia cầm, hiện nay, cả nước có tổng số 107 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung và 100% các cơ sở giết mổ này được kiểm soát thú y, trong đó có một số cơ sở giết mổ tập trung có thể đáp ứng điều kiện để xuất khẩu thị gia cầm sang một số nước. Cả nước có 4.446 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong đó chỉ có 498 cơ sở được kiểm soát thú y.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra những ý kiến thiết thực nhằm phát triển ngành chăn nuôi gà đến năm 2020. Trong đó, các đại biểu cho rằng, cần quản lý chặt chẽ các cơ sở chăn nuôi gia cầm giống về điều kiện cơ sở vật chất, quy trình kỹ thuật sản xuất giống và chất lượng giống. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở ấp trứng gia cầm để sản xuất, cung ứng giống; hạn chế tình trạng sử dụng giống thương phẩm làm bố mẹ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân nhập khẩu những giống gà mới có năng suất, chất lượng cao từ những nước chăn nuôi tiên tiến. Tiếp tục khuyến khích thành lập các hiệp hội chăn nuôi trang trại, hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức này tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Về công tác kiểm soát dịch bệnh, cần tiếp tục hướng dẫn các trang trại chăn nuôi gia cầm xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn về an toàn dịch bệnh của quốc tế. Tiếp tục triển khai giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sự lưu hành vi rút cúm H5N1, H5N6, H7N9,…trên đàn gia cầm, đặc biệt là gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Các địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống dịch, bố trí dự phòng ngân sách địa phương mua vắc xin hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Khi có ổ dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan, địa phương tổ chức công bố dịch và báo cáo Bộ NN&PTNT để hỗ trợ kịp thời vắc xin tiêm bao vây ổ dịch./.

Bùi Thủy (dangcongsan.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: