Những cơn mưa muộn thời gian gần đây đã kéo giá muối nhích lên, cứu diêm dân Ninh Hòa (Khánh Hòa) thoát khỏi tình trạng muối tồn đọng 7 tháng ròng rã…
Giá muối nhích lên nhờ... mưa
Những ngày qua, các kho trữ muối trên đồng muối Ninh Hòa đã vơi sau khi giá muối được nâng lên. Ông Kim Sug Gum - chủ Công ty Sản xuất muối Hàn Quốc cho biết, công ty vừa “đẩy” hơn 1.500 tấn muối tồn kho với giá 550.000 - 650.000 đồng/tấn. “May nhờ 2 cơn mưa lớn khiến giá muối tăng nhẹ... Chúng tôi quyết định bán để lấy tiền trả công nhân cũng như các khoản chi phí...”, ông Kim nói.
Giá muối nhích lên, các đơn vị tranh thủ xuất kho
Ông Trương Công Hiến - Chủ nhiệm Hợp tác xã Muối 1-5 Ninh Diêm cho biết, từ đầu năm tới nay, tổng sản lượng muối của hợp tác xã lên đến 8.300 tấn. Tuy hợp tác xã không có muối tồn kho do có chủ trương liên kết với thương lái để tiêu thụ muối, nhưng giá muối thị trường quá thấp, thương lái chỉ trả từ 350 - 450 đồng/kg nên hợp tác xã bị thua lỗ, thu nhập ngày công của xã viên giảm hơn 50%. Ông Hiến khẳng định do thời tiết có mưa trong 1 tháng trở lại đây khiến sản lượng giảm; cung giảm, cầu tăng đã cải thiện giá muối.
Giá muối tăng giúp Xí nghiệp Muối xuất khẩu Hòn Khói đẩy mạnh lượng bán ra sau nhiều tháng trì trệ. Ông Nguyễn Hữu Huấn - Phó Giám đốc Xí nghiệp cho biết, xí nghiệp đã đầu tư hệ thống sản xuất muối lót bạt, phủ bạt nên chủ động sản xuất khi thời tiết xấu, đồng thời sản xuất theo công nghệ tiên tiến, thu hoạch bằng cơ giới nên giảm cơ bản công lao động thủ công, hạ được giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, trong tình hình giá muối biến động, xí nghiệp phải liên tục điều chỉnh cho phù hợp, bình quân giá muối đạt 750.000 đồng/tấn, thấp hơn nhiều so với năm ngoái (1.050.000 đồng/tấn).
Hợp tác xã Muối Ninh Thủy hiện cũng không còn lượng muối tồn. Hợp tác xã vừa bán 1.500 tấn muối với giá dao động từ 590.000 - 650.000 đồng/tấn (Hợp tác xã sản xuất muối theo công nghệ lót bạt nhiều năm nay, không còn sản xuất muối đất). Theo ông Nguyễn Thành Công - Chủ nhiệm hợp tác xã, với giá này, hợp tác xã lỗ mỗi tấn 200.000 đồng, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của xã viên cũng như cán bộ hợp tác xã. “Bình quân 1 tháng có 4 lần cào muối, mỗi xã viên tham gia 7 buổi (70.000 đồng/buổi), vị chi 1 tháng thu nhập mỗi người chỉ 500.000 đồng. Vì thế xã viên làm việc khác là chính, làm muối chỉ là phụ. Còn cán bộ hợp tác xã thì ứng tiền trước, cuối năm thanh toán, lãi lỗ thế nào tính sau...”, ông Công chia sẻ.
Cần giải pháp căn cơ
Ông Bùi Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa: Thị xã kiến nghị tỉnh và Trung ương dành vốn ưu đãi hỗ trợ lãi suất cho diêm dân vay đầu tư nâng cao chất lượng muối phục vụ nhu cầu muối công nghiệp và xuất khẩu; các ngành chức năng cần tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình, cách sản xuất muối hiệu quả cho diêm dân. Chính phủ cần triển khai quyết liệt chính sách thu mua muối tạm trữ để điều tiết giá cả, có lợi cho diêm dân…
Câu chuyện hạt muối được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây khi giá muối liên tục rớt giá. Người làm muối không thể trông cậy vào thu nhập từ nghề muối mà phải tranh thủ đi làm việc khác. Đến bao giờ người làm muối mới sống được với nghề?
Theo ông Nguyễn Hữu Huấn, ở Ninh Hòa hiện đã có khá nhiều đơn vị sản xuất được muối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, vì vậy việc Nhà nước cho nhập khẩu muối công nghiệp phục vụ chế biến cần được tính toán hợp lý để không làm ảnh hưởng đến sản xuất muối trong nước. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất muối, nhất là các hợp tác xã cần được Nhà nước hỗ trợ vốn ưu đãi để đầu tư công nghệ mới, đạt tiêu chuẩn chất lượng muối xuất khẩu, tiến tới thu hoạch bằng cơ giới, giảm giá thành, chống thương lái ép giá. Ngoài ra, Nhà nước cần tổ chức việc thu mua tạm trữ muối khi giá bán có dấu hiệu trì trệ (trước đây tuy có triển khai nhưng chưa quyết liệt), đồng thời quan tâm xây dựng các tổ chức thu mua muối làm đối trọng với thương lái, tránh để thương lái làm giá “té nước theo mưa” khiến diêm dân thua thiệt.
Phú Lâm (Báo Khánh Hòa)
Không có nhận xét nào: