Thời gian qua, ngành chăn nuôi gà có sự phát triển bùng nổ cả về số lượng sản lượng dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa. Những yếu kém nội tại của ngành bắt nguồn từ sự lệ thuộc vào con giống, thức ăn, thuốc thú y, tất cả đều nhập từ nước ngoài với số lượng lớn. Làn sóng gà nhập khẩu giá rẻ tràn vào Việt Nam càng làm đẩy ngành chăn nuôi gà Việt Nam vào "ngõ cụt". Nông dân, doanh nghiệp lao đao, ngay cả một số doanh nghiệp FDI vốn mạnh về tài chính, tiến bộ kỹ thuật cũng đang chịu cảnh lỗ nặng.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), thời gian gần đây, số lượng đàn gà liên tục tăng từ 218,2 triệu con năm 2010 lên 231,7 triệu con năm 2013 và đạt 245 triệu con năm 2015. Sự tăng trưởng mạnh của đàn gà đáng lý ra phải đem lại niềm vui cho nông dân, doanh nghiệp, nhưng trái lại, chính sự tăng trưởng quá nóng này đang khiến chăn nuôi gà lâm nguy.
"Bùng nổ" cả về số lượng, sản lượng
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho biết ngành chăn nuôi gà Việt Nam có sự bùng nổ về số lượng và sản lượng với tốc độ tăng trưởng bình quân 9,3%/năm, cao gấp 2,3 lần so với thế giới.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy hiện sản lượng thịt gia cầm của Việt Nam đạt khoảng 800.000 tấn/năm nhưng cứ nhìn vào lượng con giống xuất chuồng và nhập khẩu hàng năm, cộng với năng suất chúng ta đạt được thì sản lượng phải lên đến 1,2 triệu tấn, gần xấp xỉ Thái Lan (1,4 triệu tấn), vốn được xếp vào 1 trong 10 quốc gia có sản lượng thịt gia cầm cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là phần lớn giống chất lượng cao phải phụ thuộc vào nước ngoài. Gần như 100% giống gà công nghiệp lông trắng, 40% gà lông màu và 90 - 100% gà trứng năng suất cao phải nhập từ các nước phát triển.
Năng suất tuy đã được cải thiện nhưng vẫn thấp hơn so với thế giới. Năm 2010, để nuôi một con gà với trọng lượng 2,2 kg, bình quân thế giới nuôi trong 37,4 ngày, trong khi Việt Nam phải mất tới 49 - 50 ngày. Tiêu tốn thức ăn, của chúng ta cũng cao hơn thế giới từ từ 0,2 - 0,5kg trên 1 kg tăng trọng.
Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm của Việt Nam cao hơn giá thế giới từ 20 - 30%. Một bất cập lớn của ngành chăn nuôi là việc phân chia lợi nhuận, đối với gà lông trắng, người sản xuất chỉ được hưởng 5,5%, thương lái 21%, hệ thống bán lẻ 30 - 33%, gà lông màu, người chăn nuôi được hưởng cao hơn chút đỉnh, chỉ là... 6%.
Ông Sơn cho rằng với những đặc điểm của ngành sản xuất như vậy, chuyện rủi ro là tất yếu. Chưa bao giờ câu chuyện con gà, quả trứng lại được dư luận quan tâm như hiện nay dù những tồn tại của ngành đã được đề cập đến từ lâu, như chuyện "muôn năm cũ". Chỉ đến khi chiếc đùi gà Mỹ xuất hiện thì đúng là một "giọt nước tràn ly".
Chưa bao giờ nhập khẩu gà tăng mạnh như hiện nay, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng, Cục Chăn nuôi cho biết, 7 tháng đầu năm 2015, tổng số lượng gà nhập khẩu bằng 64,3% so với cả năm 2014 (cả nước nhập khẩu 100.502 tấn thịt gà).
Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai và Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ cho rằng, việc nhập khẩu thịt gà với lượng quá lớn đã ảnh hưởng nặng tới chăn nuôi gà của Việt Nam. Với số lỗ hiện nay là 10.000 đồng/con gà thì trong 11 tháng qua, người chăn nuôi gà cả nước đã thiệt hại trên 1.300 tỷ đồng.
Không chỉ người chăn nuôi, doanh nghiệp cũng chung cảnh thua lỗ. Ông Lê Thanh Phương, phụ trách chương trình đầu tư chăn nuôi của Công ty Emivest Việt Nam (Đồng Nai), cho biết giá thành sản xuất gà thịt của Thái Lan vào khoảng 1,2 USD/kg (tương đương 26.400 đồng/kg), Emivest hoàn toàn có thể sản xuất được với giá này nhưng nếu tính cả chi phí giết mổ, bảo quản thì giá thành sản xuất gà nguyên con vào khoảng 35.000 đồng/kg, trong khi đùi gà Mỹ nhập khẩu chỉ có giá 20.000 đồng/kg.
Việc gà Mỹ giá rẻ đến mức "không thể giải thích" khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Ông Phương cho biết, đã liên tục 11 tháng nay, doanh nghiệp này chìm trong thua lỗ nhưng vẫn phải duy trì sản xuất chỉ vì muốn đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, Emivest sẽ không thể tiếp tục bám trụ.
Phát triển về chất
Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, cho biết các doanh nghiệp FDI đã chịu lỗ với mức 5.000 - 6.000 đồng/kg thịt gà từ vài tháng nay. Có doanh nghiệp, gà nuôi tới 4kg muốn bán nhưng chẳng ai mua. Hiện nay, các kho chứa thực phẩm gà Mỹ đang chật cứng, chuẩn bị bán tràn lan ra thị trường.
Một doanh nghiệp vừa phản ánh, thịt gà chở đi mà không thể tiêu thụ nổi đành quay về. Trước kia các doanh nghiệp FDI chăn nuôi gà được cho là được ưu đãi nhiều hơn doanh nghiệp trong nước giờ cũng cùng chung một cảnh, nếu không sớm có biện pháp, doanh nghiệp sẽ phá sản trong vài tháng tới.
Nông dân, doanh nghiệp đang chịu cảnh lao đao
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát trăn trở: "cạnh tranh trong ngành chăn nuôi gà ngày càng trở nên gay gắt, đặt ra vấn đề tồn tại hay không tồn tại, nhất là trước làn sóng nhập khẩu thịt từ nhiều nước, đặc biệt là từ Mỹ". Tuy nhiên, gà Mỹ tràn vào Việt Nam chỉ là khó khăn tình thế. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành vào cuối năm nay, chỉ còn vài tháng nữa, các quốc gia trong khối sẽ trở thành một thị trường chung. Lúc đó, gà nội địa còn phải cạnh tranh trực tiếp với gà Thái Lan. Nếu không nhanh chóng đổi thay cách làm, rất có thể ngành chăn nuôi gà sẽ thua trên chính "sân nhà".
"Đã đến lúc chúng ta phải hành động quyết liệt, không thể chỉ nói suông. Phải học tập Thái Lan, cùng là nước có điều kiện tương tự, tại sao họ xuất khẩu 4 tỷ USD/năm trong khi chúng ta vẫn loay hoay lo lắng cho sự tồn tại của ngành. Về chủ trương phát triển lâu dài, Bộ NN&PTNT không phản đối doanh nghiệp FDI nhưng phải hỗ trợ trang trại phát triển và cũng không thể bỏ rơi chăn nuôi nông hộ, vì ý nghĩa về mặt xã hội, tạo công ăn việc làm cho nông dân. Chính vì vậy không để chăn nuôi nông hộ chết". Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ thị.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục chăn nuôi tham mưu để Bộ sớm trình Chính phủ ban hành chính sách chăn nuôi trang trại.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam
Để cứu ngành chăn nuôi gà, đã đến lúc chúng ta phải có sự thay đổi về quan điểm chỉ đạo phát triển ngành gà của nước ta. Chuyển đổi từ sự phát triển bùng nổ về số lượng sang phát triển bền vững hơn, coi trọng chất lượng. Chuyển sang dòng sản phẩm chất lượng cao. Lâu nay chúng ta chỉ quan tâm đến thị trường nội địa thì bây giờ phải tập trung hướng tới xuất khẩu một số sản phẩm có lợi thế và thị trường.
Thu Hường (Thời báo kinh doanh)
Không có nhận xét nào: