Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ kế hoạch triển khai 6 tháng cuối năm 2015 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, không có chuyện Việt Nam sản xuất tôm ít mà xuất khẩu nhiều, phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Sản lượng nuôi thả tôm 6 tháng đầu năm chỉ đạt 200.000 tấn, chưa đạt 1/3 kế hoạch năm. Ảnh: Internet.
Theo ông Điền, thông tin Việt Nam sản xuất tôm ít, xuất khẩu nhiều được đưa ra thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tập đoàn xuất khẩu tôm với nhau.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ nhập khẩu khoảng 14.000 tấn tôm. Trong khi đó, sản lượng nuôi thả được trên 200.000 tấn nên không ảnh hưởng gì lớn tới chỉ tiêu xuất khẩu tôm.
Kế hoạch nuôi thả tôm cả năm nay là 700.000 tấn. Như vậy, sản lượng nuôi thả và sản lượng xuất khẩu cả năm tương xứng với nhau nên không bị chi phối, ảnh hưởng bởi việc nhập khẩu tôm.
“Đó là thông tin sai lệch, chúng tôi và các doanh nghiệp Việt Nam rất bất bình về những thông tin này. Quá trình phát triển tôm của Việt Nam luôn bền vững không ảnh hưởng gì đến xuất khẩu tôm năm nay”, ông Điền nhấn mạnh.
Nửa đầu năm, sản lượng thu hoạch và diện tích nuôi tôm nước lợ nhìn chung giảm so với cùng kỳ năm 2014 và chưa đạt kế hoạch năm 2015. Cụ thể, sản lượng nuôi thả tôm 6 tháng đầu năm chỉ đạt 200.000 tấn, chưa đạt 1/3 kế hoạch năm. Có tới 18.000ha nuôi tôm bị thiệt hại do 3 loại dịch bệnh chính là đốm trắng, hoại tử gan tụy và chậm lớn.
Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái đã khiến cho nhiều nông dân chần chừ không dám thả nuôi.
Mặc dù vậy, ông Điền nhận định, thời gian tới sản xuất tôm sẽ phát triển mạnh hơn vì giá tôm xuất khẩu bắt đầu tăng từ giữa tháng 6. Dự kiến sản lượng nuôi thả vẫn đảm bảo kế hoạch đặt ra và không gây ảnh hưởng nhiều đến tình hình xuất khẩu tôm cả năm.
Theo ông Điền, để nắm vững tình hình, thời gian qua, Tổng cục Thủy sản đã thường xuyên cử đoàn công tác đi kiểm tra giám sát, theo dõi, hướng dẫn nuôi thả tôm cho các hộ nông dân, đồng thời có công văn chỉ đạo quyết liệt, phù hợp với từng thời điểm. Ví dụ như, vào những thời điểm nhiệt độ cao, thời tiết nắng nóng, Tổng cục đã có công văn dừng thả tôm để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh.
“Đến nay khi có điều kiện thuận lợi, thời tiết đã ổn định hơn khi mưa xuống, độ mặn giảm, nhiệt độ ổn định thì Tổng cục cũng có công văn chỉ đạo tất cả các địa phương theo dõi, giám sát và tích cực khẩn trương thả hết diện tích để tận dụng thời cơ giá tôm bắt đầu tăng”, ông Điền nói.
Thanh Nguyễn (Báo Hải Quan)
Không có nhận xét nào: