» » » Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất rau an toàn ở Hòa Bình

Với lợi thế giáp Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hòa Bình có nhiều điều kiện để mở rộng, phát triển sản xuất rau an toàn. Điều đáng ghi nhận là thời gian qua, việc sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả tích cực, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế từ sản xuất rau an toàn ở Hòa Bình vẫn còn hạn chế.

Nhờ chuyển đổi sang sản xuất rau an toàn, gia đình ông Nguyễn Văn Lương ở xã Dân Chủ, TP Hòa Bình có thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng/năm.

Hiệu quả từ trồng rau

Đến nay trên địa bàn thành phố Hòa Bình đã chuyển đổi được 80 ha diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang sản xuất rau tập trung. Qua thống kê của UBND thành phố Hòa Bình thì hiện nay sản xuất rau đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân. Giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 220 triệu đồng/ha/năm; đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng khoảng 60%; thu nhập bình quân từ sản xuất rau đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng. Gặp chúng tôi khi đang làm cỏ cho ruộng rau cải, ông Nguyễn Văn Lương, xã Dân Chủ chia sẻ: "Gia đình tôi đang trồng khoảng 1.000 m2 rau an toàn. Với phương châm mùa nào rau đấy, mỗi năm trồng được bốn vụ. Để bảo đảm rau hợp vệ sinh, gia đình tôi không dùng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh mà dùng bả sinh học cộng với các biện pháp thủ công. Vì vậy, rau của gia đình được thị trường rất ưa chuộng, bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 50 - 60 triệu đồng, cao hơn so với trồng lúa rất nhiều".

Từ năm 2008, được sự hỗ trợ của dự án ADDA (Đan Mạch) và Trường cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Lương Sơn đã triển khai mô hình trồng rau hữu cơ trên địa bàn. Đây là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao cho người dân với sự kết hợp của "bốn nhà" (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp). Dự án được triển khai tại một số điểm sản xuất rau tập trung ở bảy xã, thị trấn, trong đó có 14 nhóm, 96 thành viên tham gia với tổng diện tích trồng hơn bảy ha. Để bảo đảm cho người tiêu dùng và môi trường sinh thái, rau được sản xuất hoàn toàn không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào. Đến nay, việc trồng rau hữu cơ trên địa bàn đã mang lại hiệu quả hơn nhiều so với các cây trồng khác. Đặc biệt, việc canh tác theo hướng an toàn không những giúp bảo đảm môi trường sản xuất còn giúp người tiêu dùng có nguồn thực phẩm sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Từ việc tham gia trồng rau hữu cơ, bình quân mỗi tháng, các gia đình có thu nhập cao hơn với các loại cây trồng khác.

Sản xuất còn manh mún

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Vương Đắc Hùng cho biết, đến nay toàn tỉnh có gần 11 nghìn ha trồng rau các loại, phân bố ở 11 huyện, thành phố. Diện tích sản xuất rau hằng năm tăng trung bình khoảng 3,33%. Một số huyện: Tân Lạc, Lương Sơn, Yên Thủy, Kim Bôi... bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất rau ăn lá, rau ăn củ, rau ăn quả mang tính hàng hóa. Sản xuất rau an toàn cho hiệu quả kinh tế cao hơn rau thông thường, bình quân mỗi ha có thu nhập từ 100 đến vài trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, trong số gần 11 nghìn ha trồng rau thì mới có gần 100 ha rau an toàn. Nguyên nhân là do diện tích sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, ít loại cây trồng được trồng thành vùng tập trung, chuyên canh mang tính sản xuất hàng hóa; trình độ, tập quán canh tác của nông dân còn thấp, mang tính tự cung, tự cấp, không đồng đều giữa các vùng. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP quá lớn, sản phẩm được chứng nhận mới chỉ dừng lại ở mô hình; chưa thực hiện được quy trình sản xuất an toàn trên quy mô rộng; chưa hình thành sản phẩm mang thương hiệu của từng địa phương nên chưa tạo được đầu ra ổn định với giá cả hợp lý cho sản phẩm; chưa có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn nhiều hạn chế chưa đồng bộ; số lượng cơ sở chế biến rau ít và nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa nên giá trị sản phẩm rau thấp; đa số vùng rau hiện nay chưa hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ nên sản xuất rau an toàn chưa mở rộng và phát triển.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ và số đông nông dân còn thiếu thông tin về quản lý sản xuất, tiêu thụ rau an toàn; nhận thức và tính tự giác nông dân trong sản xuất rau an toàn còn hạn chế; chưa coi trọng và thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất rau an toàn nên chất lượng rau chưa bảo đảm... Nhằm khắc phục những khó khăn này, UBND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành đề án quy hoạch vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020. Có thể nói đây được coi là bước chạy đà hoàn hảo để khai thác hết tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển mạnh hơn nữa trong sản xuất rau an toàn trên địa bàn.

Theo dự kiến, trong năm 2015, tỉnh phát triển hơn 5.000 ha rau an toàn tập trung và đến năm 2020 hơn 18,4 nghìn ha. Để xây dựng thành công quy hoạch theo đề án, các ngành chức năng và địa phương sẽ tập trung vào các giải pháp như tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng rau an toàn; thực hiện ưu tiên về chính sách; tăng cường công tác "dồn điền, đổi thửa" trong vùng quy hoạch; tăng cường công tác khuyến nông, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền xúc tiến thương mại thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên thị trường.

Bài và ảnh: Bảo Hân (Báo Nhân Dân)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: