» » 'Nghịch lý' giải cứu nông sản

6 tháng đầu năm, không chỉ nhiều mặt hàng trong nước phải “giải cứu” vì không có đầu ra, nhiều mặt hàng nông thuỷ sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng đang bị giảm mạnh cả về lượng và giá trị.

Chăm sóc hoa lan tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Ảnh: T.L

Theo Bộ Công Thương, hiện có 4 mặt hàng có lượng xuất khẩu giảm là cà phê giảm 35%, chè giảm 5%, hạt tiêu giảm 16%, gạo giảm 4%. Lượng xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu khoảng 393 triệu USD. Tại cuộc giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương về công tác điều hành 6 tháng đầu năm, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu - cho biết, do chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt với các đối tác xuất khẩu cùng loại sản phẩm nên các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta đều bị thu hẹp.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Sở Công Thương An Giang lo ngại, 2 sản phẩm chủ lực là lúa gạo và cá tra tại ĐBSCL đều rớt giá. 6 tháng đầu năm giá xuất khẩu gạo bình quân chỉ khoảng 437 USD/tấn, giảm 27 USD/tấn so cùng kỳ, tương tự cá tra sau đợt tăng thuế chống bán phá giá, hiện chỉ còn 224 USD/tấn, giảm 45 USD/tấn. “Vấn đề cấp thiết đặt ra đối với tiêu thụ nông sản của Việt Nam lúc này là một cung cách làm ăn lớn, giải quyết cho được bài toán quy hoạch vùng sản xuất, tổ chức sản xuất lúa theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và quy trình sản xuất, chế biến lúa gạo, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng...” - bà Mai Ánh Tuyết nói. Thế nhưng có một thực tế là 10 năm qua, Nhà nước đầu tư tới 550 tỉ đồng để ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp, nhưng đến nay rất ít sản phẩm được đưa vào ứng dụng thực tiễn để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát thừa nhận: “Hiện nay nhiều công trình nghiên cứu chưa đưa vào sản xuất thực tế vì năng lực của chúng ta chưa đáp ứng được, trong đó bao gồm cả vấn đề kinh phí và vấn đề trình độ công nghệ”. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định: “Dù khó khăn và thiếu thốn, chúng ta vẫn phải đưa những công trình công nghệ này vào ứng dụng trong thực tiễn, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh nông sản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và ứng phó với các rào cản kỹ thuật."

Nông thủy sản cần giải cứu nhưng chi tiền cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học quá ít, đồng thời chính những công trình ấy lại hầu như không có giá trị thực tiễn. Đó là nghịch lý của câu chuyện “giải cứu nông sản” ở Việt Nam.

Báo Lao Động

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: