Chính quyền tỉnh Lào Cai khẳng định không có chuyện 30.000 tấn gạo xuất Trung Quốc bị mốc, hư hỏng và đang làm mọi cách để giải phóng hàng tồn. Tỉnh Lao Cai đang cố gắng mở ra những “lối mở” dành riêng cho xuất khẩu gạo, đề nghị mở các cặp chợ biên giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn kêu chưa bao giờ xuất gạo khó như lúc này khi cứ 100 xe gạo xuất sang Trung Quốc, có tới 10 - 20 xe bị bắt phạt.
Gạo tồn đọng được xếp đầy tận nóc trong kho doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Lào Cai. Ảnh: Thông Chí
Không có chuyện mốc, hỏng
Mới đây, trên một số báo đưa tin 30.000 tấn gạo tại Lào Cai xuất đi Trung Quốc đang bị mốc, hư hỏng vì tắc hàng lâu ngày. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của PV Báo Lao Động tại Lào Cai cho thấy không phải vậy. Cửa khẩu phụ xã Bản Vược (huyện Bát Xát) và lối mở thí điểm xuất khẩu gạo thôn Bản Quẩn, xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng) là hai điểm xuất gạo tiểu ngạch lớn nhất trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Ở thời kỳ cao điểm, các xe gạo từ miền xuôi nối đuôi nhau đổ về tấp nập. Tuy nhiên, nhiều ngày nay, tại các khu vực này không xuất hiện bóng dáng một xe chở gạo nào. Gạo được chuyển hết về nằm chờ trong các kho chứa của doanh nghiệp, chờ thời cơ xuất khẩu.
Trong khi tại cửa khẩu vắng bóng xe chở gạo, gạo tại các kho hàng của các công ty xuất khẩu đang xếp thành từng chồng cao tới nóc nhà. Tại kho hàng của Công ty thương mại Việt Tú, đặt tại lô F18, KCN Đông Phố Mới (TP. Lào Cai), những bao gạo được xếp ngay ngắn, chống ẩm và chống nóng. Tại đây đang chứa khoảng 7.000 tấn gạo miền Nam đợi xuất khẩu sang Trung Quốc. Bà Nguyễn Việt Tú - Giám đốc công ty - cho hay, việc gạo mốc, hỏng không xảy ra với doanh nghiệp này. “Chúng tôi vừa đầu tư nâng cấp kho chứa hàng theo công nghệ chân không, bảo đảm có thể bảo quản gạo và thóc trong thời gian rất dài, có thể hằng năm” - bà Tú nói.
Trước thông tin cho rằng tại Lào Cai đang có hàng chục nghìn tấn gạo bị mốc, ông Hoàng Chí Hiền - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai - nói thẳng: “Thông tin có khoảng 30.000 tấn gạo bị ẩm mốc là không chính xác, ảnh hưởng bất lợi đến doanh nghiệp cũng như bà con nhân dân”.
Hơn 20.000 tấn gạo tắc trong kho chờ xuất khẩu
Ông Hiền cũng thông tin thêm, hiện lối mở tại thôn Bản Quẩn, xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng) hoàn toàn dành riêng cho xuất khẩu gạo, không cho phép xuất khẩu bất cứ mặt hàng nào khác. Còn tại cửa khẩu phụ xã Bản Vược (huyện Bát Xát) do mặt hàng nông sản và hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất đều đi qua đường này nên cơ quan chức năng luôn có sự điều tiết cho hợp lý. Theo thông tin từ Sở Công Thương Lào Cai, hiện nay tồn gạo tại Lào Cai của các doanh nghiệp xin giấy phép xuất khẩu gạo qua khu vực Bản Quẩn, Bản Phiệt khoảng trên 20.000 tấn. Trong đó có những đơn vị tồn kho lớn như Công ty TNHH Nhẫn Hồng Ngọc Việt tồn 4.000 tấn, Công ty TNHH MTV kinh doanh xuất nhập khẩu Việt Tú tồn 6.000 - 7.000 tấn, Công ty TNHH TM&DV Thiên Nhiên tồn 8.000 - 9.000 tấn, chi nhánh Tây Bắc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc tồn 1.000 tấn.
Để giải quyết khó khăn gạo tồn kho, chính quyền tỉnh Lào Cai đã làm việc với các tỉnh biên giới nước bạn về việc đóng cửa biên mậu. Sau đó việc xuất khẩu gạo được khai thông trở lại phần nào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể giải phóng gạo ách tắc, gạo tồn kho. Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cũng đang đề xuất với Bộ Công Thương nhanh chóng làm việc với Bộ Thương mại Trung Quốc tiến tới ký kết hiệp định thương mại biên giới. Tuy nhiên, thực tế những nỗ lực thông thương của tỉnh Lào Cai đến hiện tại vẫn chưa có những chuyển biến rõ rệt. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo mà Báo Lao Động tiếp xúc đều đang ở trạng thái thấp thỏm chờ đợi. Các doanh nghiệp cho biết, họ sợ mang gạo sang Trung Quốc bị bắt phạt. “Cứ qua đất Trung Quốc là họ bắt. Bắt nhiều đến nỗi nhiều người có hàng không dám đi, đành nằm im chờ” - một doanh nghiệp cho hay.
Theo nhiều doanh nghiệp, để lấy được tiền của thương nhân Trung Quốc, doanh nghiệp phải tổ chức vận chuyển gạo qua các lối mở tại biên giới rồi tiếp tục vận chuyển từ điểm tập kết gạo lên các toa tàu đi sâu vào trong nội địa. “Chỉ đến khi gạo lên tàu có vé toa thì thương nhân Trung Quốc mới xuất tiền” - bà Nhẫn - GĐ Công ty TNHH Nhẫn Hồng Ngọc Việt - cho hay. Cũng theo chủ doanh nghiệp này, cả mấy tháng nay, cửu vạn Việt Nam bên Trung Quốc liên tục bị truy đuổi. “Dù nhu cầu gạo rất lớn nhưng cứ 100 xe sang Trung Quốc thì họ (lực lượng chức năng Trung Quốc -PV) bắt phạt 10 - 20 xe” - bà Nhẫn nói.
Thông Chí (Báo Lao Động)
Không có nhận xét nào: