Người trồng vải Bắc Giang năm nay liên tiếp đón nhận tin vui khi hàng loạt các chuyến hàng vải thiều tươi của họ đã lên máy bay xuất ngoại.
Vải thiều Bắc Giang được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã và sức tiêu thụ ngày càng cao
Với thị trường nội địa, thành công cũng đến khi giá nông sản này vẫn cao, lợi nhuận của người sản xuất đảm bảo. Năm nay, chính quyền và nhân dân Bắc Giang thực hiện mọi biện pháp để ổn định đầu ra cho vải thiều.
Hành trình xuất ngoại
Ngày 6/10/2014 được coi là dấu mốc quan trọng trong việc đưa quả vải của Bắc Giang lên một vị thế mới, đó là ngày quyết định của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép nhập khẩu vải thiều và quả nhãn từ Việt Nam chính thức có hiệu lực.
Để vào được thị trường Mỹ, vải thiều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt như: Phải được trồng ở vùng đăng ký và được Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) theo dõi; bảo đảm không có mầm bệnh; không chứa các loại thuốc BVTV bị cấm; trước khi xuất khẩu phải được chiếu xạ chống ký sinh trùng; mỗi lô hàng phải có chứng chỉ về an toàn thực phẩm của cơ quan Việt Nam và chứng chỉ nguồn gốc xuất xứ...
Nhằm tạo vùng nguyên liệu bảo đảm các yêu cầu để xuất khẩu vải thiều vào thị trường Mỹ, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với chính quyền địa phương triển khai quy hoạch vùng trồng vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) với tổng diện tích 100 ha.
Sau đó, UBND huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Cục BVTV, Sở NN-PTNT tiến hành khảo sát 234 hộ dân trồng vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Hồng Giang, lựa chọn được 109 hộ dân với diện tích hơn 60 ha tại 3 thôn: Kép 1, Ngọt, Phương Sơn đủ tiêu chuẩn để đăng ký cấp mã vùng xuất khẩu vải thiều.
Tháng 3/2015, đại diện cơ quan kiểm dịch (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đã đến thăm vùng vải thiều sản xuất theo quy trình GlobalGAP tại xã Hồng Giang. Sau đó cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ đã cấp 6 mã số cho các vùng trồng vải đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ tại 3 thôn: Kép 1, Ngọt, Phương Sơn (xã Hồng Giang). Tháng 4/2015, đại diện một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản vào thị trường châu Âu, Mỹ đã khảo sát các vùng trồng, làm việc với người dân và ký cam kết thu mua.
Ngày 30/5, Công ty TNHH Ánh Dương Sao (TP.HCM) đã thu mua 2 tấn vải đầu tiên tại huyện Lục Ngạn, sau đó vận chuyển vào TP.HCM thực hiện việc chiếu xạ tại Nhà máy Chiếu xạ Sơn Sơn để xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Hôm qua (10/6), Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Rồng Đỏ (TP.HCM) cũng đã chiếu xạ và xuất khẩu lô vải đầu tiên sang Úc.
1.000 tấn vải sẽ được xuất khẩu sang thị trường 6 nước gồm: Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Úc, Mỹ và Israel ngay trong mùa vải năm nay. Và theo dự kiến, từ năm sau, số lượng vải xuất khẩu ra thị trường thế giới sẽ đạt từ 50-100 ngàn tấn/năm.
Đây là một trong những cam kết quan trọng vừa được ký kết tại Bộ KHCN giữa UB Nghiên cứu chiến lược Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản cùng đại diện các công ty của Nhật, Malaysia, Úc, Israel với Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) cùng đại diện Bộ khoa học công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam và 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh.
Việc “mở cửa” được thị trường Mỹ, Úc là động lực thúc đẩy người dân Bắc Giang áp dụng quy trình kỹ thuật cao hơn trong sản xuất vải thiều, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển.
Trao đổi với NNVN, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay, theo phản hồi từ các doanh nghiệp vừa xuất khẩu vải thiều tươi vào thị trường Mỹ, mặt hàng này đặc biệt được ưa chuộng.
“Hơn 1 tấn vải tươi xuất khẩu vào thị trường Mỹ được bán với giá 17 USD/kg, 500 kg vải xuất khẩu vào thị trường Pháp được bán với giá 10 Euro/kg. Thời gian này, đang có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước liên hệ với huyện Lục Ngạn để đặt vấn đề thu mua vải thiều xuất khẩu đi các thị trường khó tính trên thế giới”, ông Thái nói.
Cả tỉnh vào cuộc
Để có được kết quả hiện tại, ngay từ đầu vụ, tỉnh Bắc Giang đã rất chú trọng tới khâu tiếp cận thị trường cho quả vải. Bằng chứng là hàng chục cuộc xúc tiến thương mại được lãnh đạo tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT, các tỉnh có cửa khẩu và một số thị trường nội địa lớn như Hà Nội, TP.HCM... tổ chức.
“Chúng tôi tạo mọi điều kiện trong việc đón tiếp, làm việc, mua bán, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các thương nhân và khách nước ngoài đến thu mua vải thiều. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các ban, ngành trong tỉnh tổ chức giải quyết thủ tục hành chính trong việc xuất khẩu, vận chuyển vải thiều một cách nhanh chóng, không được gây khó khăn, phiền hà cho thương nhân tiêu thụ vải”, ông Thái khẳng định.
Đối với khâu sản xuất, lãnh đạo tỉnh giao Sở NN-PTNT phối hợp với các huyện có vải thiều tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân tiếp tục quan tâm chăm sóc để có được chất lượng quả vải tốt nhất, thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế thấp nhất dư lượng thuốc BVTV sau khi thu hoạch.
Điều này tạo nên sự yên tâm, tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm vải thiều của tỉnh. Ngoài ra, các cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy trình sản xuất của nông dân theo hướng thực hành nông nghiệp tốt.
Ngoài chú trọng tìm thị trường xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu sản xuất, tỉnh Bắc Giang cũng tăng cường phối hợp với các địa phương, các thị trường lớn trong nước nhằm “phủ sóng” toàn bộ thị trường nội địa. Ngay ngày hôm qua, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức một cuộc xúc tiến thương mại tại TP.HCM.
“Chúng tôi xác định đây là một trong những thị trường lớn nhất với sức tiêu thụ khoảng 40-45 nghìn tấn vải tươi trong vụ vải thiều năm nay, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện người dân phía Nam đã quen thuộc với vải thiều Lục Ngạn và sức tiêu thụ rất tốt”, ông Thái cho biết.
Ngoài ra, ngay từ đầu vụ, tỉnh Bắc Giang cũng đã làm việc với hầu hết các siêu thị như BigC, Co.op Mart, Hapro… để đưa quả vải vào tiêu thụ nhiều hơn tại những hệ thống bán lẻ này. Với lợi thế mặt bằng, chuyên nghiệp trong bán hàng, chất lượng vải được đảm bảo, thì có thể khẳng định, năm nay, kênh phân phối này sẽ tỏ ra rất hiệu quả.
Đến nay, huyện Lục Ngạn cơ bản đã thu hoạch xong 1.750 ha các giống vải chín sớm với tổng sản lượng ước khoảng 7.000 tấn, hiện chỉ còn khoảng 200 tấn vải lai Thanh Hà đang được người dân tập trung thu hoạch và được thương nhân thu mua với giá cao nhất là 30.000 đồng/kg.
Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn huyện Lục Ngạn đang có gần 250 đại lý thu mua vải thiều nằm chủ yếu ở trung tâm các xã vùng thấp và khu vực thị trấn Chũ. Trung bình mỗi ngày, người dân Lục Ngạn thu hoạch và tiêu thụ khoảng 2.850 tấn vải thiều.
Tân Yên/ nongnghiep.vn
Không có nhận xét nào: