» » » » Tiêu thụ vải thiều: Doanh nghiệp cùng chung sức

Trước khi vào vụ thu hoạch, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chỉ có một doanh nghiệp cam kết thu mua vải thiều phục vụ xuất khẩu tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn). Tuy nhiên, đến nay số doanh nghiệp đến Lục Ngạn đặt mua vải thiều tăng mạnh, góp sức tiêu thụ sản phẩm cho người trồng vải.

Chế biến vải thiều tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Bắc Giang.

Chung tay tiêu thụ vải thiều

Bước vào vụ thu hoạch vải thiều, Công ty TNHH một thành viên Ánh Dương Sao (TP Hồ Chí Minh) đã thu mua 2 tấn vải sớm tại xã Tân Mộc (Lục Ngạn) để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Sau khi chiếu xạ, 1.188 kg vải thiều đạt tiêu chuẩn đã đến Mỹ và được phân phối tại bang California. Ngay sau đó, Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Bình Jeune (Pháp) cũng đã thu mua, xử lý 500 kg vải thiều Lục Ngạn bằng khí lưu huỳnh rồi vận chuyển sang Pháp bằng đường hàng không. 

Trao đổi với ông Ngô Minh Đường, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Bình Jeune được biết, doanh nghiệp đã có nhiều năm kinh nghiệm xuất khẩu hoa quả Việt Nam như: Xoài, thanh long, ổi... sang Pháp. Từ lâu ông đã ấp ủ ý tưởng xuất khẩu vải thiều Việt Nam sang thị trường này. 

Tuy vậy, do đặc thù quả vải thiều tươi rất khó bảo quản để giữ được màu sắc, chất lượng sau khi thu hái nên đến nay khi được chuyển giao công nghệ bảo quản bằng khí lưu huỳnh, ý tưởng đó mới được thực hiện.  Hiện Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Bình Jeune đang tính toán thu mua thêm 5 tấn vải thiều Lục Ngạn để xuất khẩu sang Pháp bằng đường biển.

Trước đó, ngày 21-4, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Rồng Đỏ (TP Hồ Chí Minh) đã ký cam kết thu mua 100% vải thiều (khoảng 130-180 tấn) của 17 hộ dân ở thôn Ngọt, Phương Sơn, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) để xuất khẩu sang Anh với giá cao hơn giá thị trường 10% (trừ vải xấu), giá tối thiểu không dưới 10 nghìn đồng/kg

Dự kiến ngày 10-6, Công ty bắt đầu thu mua. Bên cạnh đó, theo ông Giáp Văn Vang, Trưởng thôn Kép 1, xã Hồng Giang, vừa qua đại diện một doanh nghiệp ở Australia cũng đến làm việc và cam kết thu mua 2 tấn vải thiều để xuất khẩu sang Australia trong ngày 10-6.

"Chưa năm nào có nhiều doanh nghiệp đến Lục Ngạn thu mua vải thiều như năm nay. Trong đó có các doanh nghiệp đến từ Anh, Úc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ; doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đến từ Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng..." - Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn.

Cùng với các doanh nghiệp thu mua vải thiều tươi xuất khẩu còn có nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh mỗi năm thu mua hàng trăm tấn quả để chế biến. Được biết, năm nay Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Bắc Giang (Lục Ngạn), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Phương Đông (Việt Yên), Nhà máy chế biến Nông sản và Thực phẩm Bắc Giang (TP Bắc Giang), Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình)… sẽ thu mua, chế biến và xuất khẩu từ 100-500 tấn vải thiều để xuất khẩu sang các thị trường: Pháp, Nhật Bản, Đức, New Zealand... Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường truyền thống Trung Quốc với số lượng lớn.  

Thúc đẩy phát triển sản xuất

Việc nhiều doanh nghiệp đến Bắc Giang thu mua vải thiều để xuất khẩu là tín hiệu vui đối với chính quyền địa phương và người trồng vải. Yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, EU... chính là yếu tố thúc đẩy người dân địa phương nâng cao tay nghề, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm. Vải thiều phải được chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm, thuốc diệt cỏ, bảo đảm thời gian cách ly... 

Ông Ngô Minh Đường, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Bình Jeune (bên trái) kiểm tra vải thiều trước khi xử lý để xuất khẩu.

Ông Michel Jahiel, chuyên gia nông nghiệp người Pháp cho hay: “Để xuất khẩu được vải thiều vào EU với công nghệ xông hơi khử trùng bằng khí lưu huỳnh, một trong những yêu cầu rất quan trọng là quả vải phải vừa đủ độ chín, không được mềm. Quả có kích thước đều nhau, đường kính khoảng 30mm, màu đỏ sậm, không bị trầy xước, vỏ phải sần để bảo đảm độ bám của lưu huỳnh”. 

Không chỉ vậy, theo một số hộ dân thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) từng được doanh nghiệp thu mua vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản thì thời gian hái quả cũng được quy định cụ thể, tránh thời điểm sáng sớm hay nắng nóng để không ảnh hưởng đến chất lượng. 

Để vượt qua rào cản kỹ thuật khắt khe, nhà vườn trên địa bàn huyện Lục Ngạn quyết tâm đáp ứng để quả vải thiều có mặt tại các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Pháp và sắp tới là Australia, Anh... 

Ông Giáp Văn Vang cho biết thêm: "Dù các tiêu chuẩn có khắt khe đến đâu nhưng nếu có hướng dẫn quy trình sản xuất và nhất là bảo đảm được đầu ra thì tôi vẫn có thể thực hiện được. Hiện gia đình tôi đã áp dụng chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nếu cần thiết tôi có thể động viên một số hộ khác trong thôn sản xuất theo các tiêu chuẩn cao hơn để xuất khẩu”.

Theo ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, công tác chuẩn bị, xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm nay khác hẳn mọi năm, được huyện chuẩn bị ngay từ khi kết thúc vụ vải thiều năm 2014; đồng thời chủ động thông tin tới các doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng đó, việc chỉ đạo sản xuất có sự tập trung, sâu sát hơn để bảo đảm vải đạt tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, huyện không chủ trương xuất khẩu vải thiều bằng mọi giá, nhất là với các thị trường khó tính phải đi từng bước chắc chắn để bảo đảm tính bền vững.

Việt Anh/ Báo Bắc Giang

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: