» » » Thanh long có còn là sản phẩm lợi thế của Bình Thuận?

Đó là hai con số nổi trội của thanh long Bình Thuận. Cây thanh long giúp một bộ phận lớn người dân khá lên. Có thôn như Minh Thành, xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) rất nhiều người là tỷ phú.

Thanh long xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Lân

Lợi thế nghĩa là gì?

Thanh long làm nên sự hiệu quả trong nông nghiệp, chính vì thế các năm qua, trong nhiều tài liệu của tỉnh đều khẳng định thanh long là sản phẩm lợi thế với ý nghĩa: Có thể  sản xuất lượng lớn sản phẩm với chi phí thấp, chuyên môn hóa sâu, tạo ra hiệu quả lớn, thuận lợi trong tiêu thụ. Ngoài ra, lợi thế của thanh long Bình Thuận còn ở chỗ như nhiều người nói là trái ngọt, màu sắc cảm quan đẹp… 

Trước đây, khi đề cập đến lợi thế của thanh long Bình Thuận không mấy ai không công nhận, vì  thanh long Bình Thuận chẳng gặp sự cạnh tranh đáng kể nào khi tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu sang nhiều nước và vùng lãnh thổ, đặc biệt là Trung Quốc. Lượng thanh long xuất sang Trung Quốc chiếm trên 60% sản lượng thanh long toàn tỉnh. Song gần đây thanh long Bình Thuận phải cạnh tranh với thanh long nhiều tỉnh, thành mà đối thủ đáng gờm nhất là thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang).

Gần như cả nước trồng

Cả nước có đến 33 tỉnh, thành phố trồng thanh long, coi thanh long là cây trồng kinh tế. Có thể nói, gần như cả nước trồng thanh long, cũng như nhiều tỉnh đã và đang xuất thanh long sang Trung Quốc, bởi đây là thị trường dễ tính, sức tiêu thụ lớn. Kết quả, thanh long  Việt Nam nói chung  không tránh khỏi tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu. Tháng 4/2015, thanh long Bình Thuận ùn tắc nhiều ngày tại cửa khẩu, giá xuất  giảm một nửa so với trước. Anh Trần Văn Tâm ngụ tại thôn Dân Cường, xã Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam) cho hay: Anh chong đèn cho 400 trong số 1.000 trụ thanh long và trái rất đẹp. Đầu tháng 4, anh thu được 4 tấn và một lượng lớn là hàng xuất khẩu, nhưng giá chỉ còn 11.000 đồng/kg, trong khi  điện chong đèn và công chăm sóc tăng cao, lợi nhuận thu về vì thế thấp. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên trong vài năm nay thanh long Bình Thuận rớt giá.  

Hạn chế nhập khẩu thanh long

Đáng chú ý là vào tháng 5/2014, khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây nên tình trạng căng thẳng trên biển Đông, Trung Quốc ban bố quy định giới hạn nhập khẩu thanh long các nước, trong đó có Việt Nam, với lý do là thanh long nhập khẩu bị nhiễm một số bệnh. Kết quả là thanh long rớt giá nặng. Gần đây có một thông tin không vui đối với người trồng thanh long. Trong bài viết đăng trên Báo Sài Gòn giải phóng online ngày 7/6/2015, nhan đề: “Bắt bệnh trái cây ùn tắc tại cửa khẩu”, tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng thuộc Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), sau khi dẫn đầu đoàn tìm hiểu, thâm nhập sâu vào một số  cửa khẩu tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc cho hay: Trung Quốc không chỉ sản xuất được nhiều loại trái cây nhiệt đới, mà chất lượng một số loại còn cao hơn Việt Nam, đáng chú ý là thanh long. Thanh long không còn là lợi thế của Việt Nam.

Điều đó thật sự gióng lên hồi chuông báo động cho thanh long Bình Thuận khi còn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Nó buộc chúng ta phải suy nghĩ lại biện pháp đưa thanh long Bình Thuận thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc đã từng  áp dụng. Và qua những phân tích trên cũng cho thấy rằng: Cụm từ “Thanh long - sản phẩm lợi thế của Bình Thuận” đã không còn đứng vững trước thực tế. Từ đó cho phép các nhà hoạch định sản xuất, các nhà quản lý một cái nhìn khách quan để ổn định sản xuất và  tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường.

Hà Thanh Tú (Báo Bình Thuận)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: