Trong khi 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh khá thuận lợi trong sản xuất vụ hè thu thì các địa phương còn lại dường như vẫn “giậm chân tại chỗ” vì thiếu nước tưới. Áp lực về tiến độ sản xuất, đồng nghĩa với nguy cơ sâu bệnh hại lúa, năng suất, sản lượng giảm nếu gieo cấy trễ…
Chậm vì… chờ nước
Mặc dù đã có những cơn mưa đầu mùa trải khắp các địa phương trong tỉnh, nhưng hầu hết các hồ chứa thủy lợi vẫn ở cận và dưới mực nước chết. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, dung tích nước hữu ích tại các công trình thủy lợi hiện tại 35,4/216 triệu m3 thiết kế, đạt 16,4%. Ngoài hồ Cà Giây có lượng nước tăng xấp xỉ 7 triệu m3 so trước đó khoảng 10 ngày do có mưa, còn lại các hồ khác vẫn đang cận mực nước chết như hồ Đá Bạc, Sông Khán, Núi Đất, Sông Phan, đặc biệt hồ Tà Mon hiện đang ở dưới mực nước chết. Do đó, ngoài 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh vẫn sản xuất bình thường do có nguồn nước từ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, các địa phương khác vẫn phải chờ mưa.
Nông dân Hàm Thuận Bắc tranh thủ xuống giống ở những vùng ruộng có nước.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại trên địa bàn tỉnh lúa vụ hè thu trên đồng có khoảng 13.000 ha, trong đó giai đoạn mạ 7.210 ha, đẻ nhánh 5.400 ha, đòng trổ 442 ha. Trong đó, huyện Tánh Linh đã gieo cấy 4.100 ha/8.000 ha kế hoạch, bà con ở đây đang tiếp tục tập trung sản xuất trong điều kiện thuận lợi về nguồn nước. Riêng tại Bắc Bình, những ngày qua trên địa bàn huyện đã có mưa cục bộ ở các xã, thị trấn Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến, Sông Bình, Lương Sơn, Chợ Lầu, Hồng Thái… Đặc biệt vào chiều ngày 9/5/2015 đã có cơn mưa lớn từ Phan Lâm, Phan Sơn kéo dài gần 3 giờ (ước đạt gần 80mm). Vì vậy, nước hồ Cà Giây đang có xu hướng bổ sung nguồn, kết hợp điều tiết, bổ sung từ nguồn nước thủy điện Đại Ninh, hiện đã đạt cao trình hơn 68,7m, dung tích nước đạt trên 11 triệu m3. Đây cũng chính là lý do UBND huyện Bắc Bình đã đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT cho phép mở nước sản xuất ở đồng Úy Thay (Đồng Đập), với diện tích sản xuất 400 ha (50% diện tích toàn đồng). Đồng thời kết hợp cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực phía Bắc huyện, khắc phục môi trường khô nóng hiện nay của khu vực trung tâm huyện.
Còn tại huyện Hàm Thuận Bắc, tình hình khô nóng, thiếu nước vẫn chưa được cải thiện, sản xuất của bà con vẫn đang ngưng trệ. Ông Thái Văn Thọ, một nông dân tại xã Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc) cho biết: “Tình hình khô hạn xảy ra gay gắt khiến nông dân chúng tôi sản xuất chậm trễ so các năm trước. Trong lúc chờ mưa, chúng tôi tranh thủ gieo cấy ở những mảnh ruộng có nước ở sát các kênh mương trên địa bàn”.
Áp lực sâu bệnh, giảm năng suất
Sản xuất vụ hè thu 2015 trong điều kiện khó khăn về nguồn nước dẫn đến chậm thời vụ so với mọi năm là điều không thể tránh khỏi. Bởi theo lịch thời vụ gieo trồng vụ hè thu bắt đầu từ 30/3, tập trung vào 1/4 đến 30/5 và kết thúc vào 30/6. Tuy nhiên, hiện nay đã vào đầu tháng 6, nhưng toàn tỉnh chỉ mới sản xuất được hơn 10.000 ha lúa/39.600 ha kế hoạch, trong khi đó diễn biến nắng hạn vẫn đang hết sức phức tạp.
Ông Trần Minh Tân - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: Nếu gieo cấy trễ, không đúng thời vụ, lúa sẽ trổ vào cuối tháng 7, đầu tháng 8. Thời gian này trùng với thời điểm mưa gió, áp thấp nhiệt đới… nên lúa thường bị đổ ngã, cộng với sự gia tăng của bệnh lem lép hạt, dẫn đến làm giảm năng suất.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con cần tuân thủ sự chỉ đạo của ngành trong việc gieo cấy, không tự phát gieo vùi chờ mưa, dễ dẫn đến thiệt hại.
Kiều Hằng/ Báo Bình Thuận
Không có nhận xét nào: