Sở hữu một dải trà cổ thụ là những gốc trà san tuyết quý hiếm hàng trăm năm tuổi, trải dài từ Đông sang Tây Bắc, cùng những vùng trà công nghiệp bạt ngàn từ Bảo Lộc, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Mộc Châu… Mỗi vùng trà Việt là một nguồn tiềm năng dồi dào, giúp Việt Nam luôn trong nhóm dẫn đầu về nguồn cung cấp trà xanh cho thị trường thế giới.
Vốn quý từ ngàn xưa
Trên bản đồ trà thế giới, nếu các nước thuộc khu vực châu Á có thế mạnh trong ngành trà công nghiệp như Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì Việt Nam ngoài lượng xuất khẩu dồi dào còn được sở hữu một “báu vật” đặc biệt quý hiếm khác, chính là dài trà cổ thụ trăm năm tuổi, thuộc giống trà San Tuyết phát triển quanh năm trên các triền núi cao, độ trung bình từ 1.000m trở lên so với mực nước biển. Đặc biệt, rừng trà San Tuyết nguyên sinh ở trên đỉnh Phanxipang được xác định có diện tích và kích cỡ cao lớn nhất so với tất cả các giống trà khác của thế giới khi một gốc trà đại thụ phải đến hơn 2 người ôm, cao 30 - 40m.
Việc xao sấy trà cổ thụ của người miền cao hiện vẫn dùng phương cách thủ công.
Những vùng nguyên liệu trà San Tuyết có đặc điểm độc đáo là gắn cùng đời sống người bản địa miền cao, thường là dân tộc Dao, H’mông, Tày, Thái, Phạng Khoang (một nhánh nhỏ của người Hoa) và vùng trà càng quyện trên mây núi đỉnh cao, càng tích tụ được nguồn dưỡng chất tuyệt hảo, được người bản địa gọi là phương thuốc quý mà họ đã dùng truyền đời qua biết bao thế hệ. Bản làng dẫu có đổi thay, nhiều đời người lần lượt qua đi, nhưng những gốc trà đại thụ vẫn ở đó, quanh năm ra búp non chỉ nhờ vào dưỡng chất của đất trời, sương núi, để tạo nên vị riêng biệt ở mỗi vùng, từ Hà Giang, đến Suối Giàng - Yên Bái, Tủa Chùa - Điện Biên, Tà Xùa - Sơn La… Cùng là một lá trà xanh giống San Tuyết cổ thụ đã qua sao, sấy, nhưng khi pha, sự khác biệt của màu nước với sắc vàng đậm lợt, cùng vị chát đậm kéo theo hậu ngọt thanh giúp người thưởng trà không khó để phân biệt rạch ròi phong vị từng vùng trà cao sản của người bản địa trên miền cao Đông - Tây Bắc.
Đánh thức tiềm năng
Từ xa xưa, giống trà San Tuyết cổ thụ được người dân tộc vùng cao quan niệm là báu vật đất trời ban cho nên không tốn công gieo trồng, chăm bón, chỉ việc thu hái. Mãi đến khoảng 5 năm gần đây, người dân mới ý thức hơn và bắt đầu nhân giống để phát triển loại trà quý này, đầu tiên là những cư dân của bản Mống Vàng ở đỉnh núi Tà Xùa, Sơn La đã dùng các hạt trà San Tuyết cổ thụ để gieo cấy và trồng thành công cả một vùng thung lũng trà San Tuyết ngay cạnh bản.
Trà San Tuyết ở Tà Xùa dù vẫn được thu hái và sấy khô theo phương pháp chảo gang truyền thống, nhưng những người sành trà miền xuôi đều công nhận trà Tà Xùa có vị đặc biệt, nếu pha đậm sẽ thấy chát đắng nhưng không gây khó chịu, bởi kèm ngay sau là độ ngọt thanh của trà, khi pha lại rất được nước. Giống cao sản này khi đưa về xuôi được các nghệ nhân trà Hà Nội rất ưa chuộng và chọn dùng làm nguyên liệu để ướp trà hương như sen, nhài, ngâu, sói… Định hình nên một dòng sản phẩm nội tiêu đặc trưng trong thế giới trà Việt.
Hơn 10.000ha giống trà San Tuyết cổ thụ đã được lai tạo thành công, trồng theo hình thức chuyên canh công nghiệp ở các vùng như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, cả khu vực vùng núi ở Kỳ Sơn, Nghệ An. Các doanh nghiệp tham gia vào việc nhân giống loại trà San Tuyết cổ thụ cho biết việc chăm sóc loại trà này tương tự như trà hạt trung du, nhưng năng suất và độ kháng sâu bệnh của giống trà san rất tốt, cây phát triển mạnh, thành phần dưỡng chất có trong trà vượt trội so với các giống trà trung du. Đây là giống trà thích hợp để chế biến trà xanh cung cấp cho thị trường Trung Đông, khu vực có thói quen sử dụng trà xanh hơn là trà đen và chất lượng cũng như giá bán của giống trà San Tuyết này hơn hẳn so với trà hạt trung du. Đây là một tin vui với ngành trà Việt, cũng là một động lực đưa trà Việt tiến xa hơn nữa trên bản đồ trà thế giới.
Áp lực cạnh tranh
Trên thị trường trà thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất trà đen, các nước như Ấn Độ, Sri Lanka và khu vực châu Phi đang chiếm thế thượng phong, riêng với lĩnh vực trà xanh, Việt Nam được xếp vào hàng “ông lớn” nhờ sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào, nhưng thực trạng trà Việt chỉ nắm giữ lợi thế về số lượng, còn chất lượng vẫn còn nhiều vấn đề phải điều chỉnh mới có khả năng hội nhập với ngành trà thế giới, được các cộng đồng tiêu dùng khó tính như thị trường châu Âu chấp nhận.
Để hóa giải vấn đề chất lượng của trà San Tuyết cổ thụ, nhiều doanh nghiệp trà Việt ở Hà Giang như Thành Sơn, Tuổi Trẻ… đã mạnh dạn đầu tư công nghệ và thiết bị hiện đại để sản xuất, và sản phẩm làm ra đạt chuẩn mực đồng đều về chất lượng. Tuy không đủ để xuất qua thị trường châu Á như Đài Loan, Trung Quốc với giá cao, nhưng tổng thể sản phẩm trà cổ thụ vẫn chưa thể tự mình tạo thương hiệu riêng, mà chỉ vẫn dừng ở khâu cho ra nguyên liệu thành phẩm, sau đó khi xuất khẩu lại được doanh nghiệp nước ngoài đóng mác của chính họ và đưa ra thị trường với giá gấp 10, thậm chí 20 so với mức thu mua từ nhà sản xuất.
Ngay cả với thị trường trà San Tuyết cổ thụ trong nước, người uống trà xanh vẫn chỉ quen với những giống trà mạn từ Thái Nguyên và quan niệm uống trà nước phải xanh, vị hậu ngọt… cùng thói quen cố hữu khiến dòng trà cổ thụ này dù ngon (nhưng giá thành cao) nhưng vẫn gặp khó trong việc tìm thị trường ngay trên sân nhà.
Một buổi giới thiệu trà San Tuyết cổ thụ tại Hà Nội.
Vấn nạn cần giải quyết
Thế nhưng, vấn nạn lớn nhất mà ngành trà Việt phải đối mặt chính là ý thức của người trồng trà về vấn đề sử dụng thuốc trừ sâu. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trà từng “uống nước đắng” khi xuất sang thị trường các nước trong khu vực như Đài Loan hoặc châu Âu với đơn hàng số lượng lớn nhưng rồi bị trả về vì dư lượng thuốc trừ sâu quá cao. Nhìn trên bình diện chung, doanh nghiệp chịu thiệt, uy tín ngành trà Việt sụt giảm, gánh nặng đè thêm lên vai nông dân trồng trà.
Việc phun thuốc do lỗi của nông dân một phần, nhưng căn nguyên là cả nhiều ban ngành liên quan khác, từ khâu tuyên truyền đến việc quản lý thuốc trừ sâu cùng các biện pháp chế tài với người sử dụng thuốc sai phương cách, sai mục đích hầu như không có. Trong thực tế, cửa hàng bán thuốc trừ sâu tràn lan, chủ cửa hàng tự tư vấn cho nông dân, nói sao nghe vậy, người bán thuốc không phải ai cũng nắm hết thông tin, vì mối lợi nên nhiều loại thuốc cấm vẫn lén lút bán.
Khi đề cập lĩnh vực muôn thuở này với Hiệp hội trà Việt Nam, người viết nhận được những giải thích: “Với những doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu riêng thì dễ quản lý; còn riêng với người trồng trà, việc quản lý phức tạp hơn và cần các cơ quan chức năng hỗ trợ, chẳng hạn chuyện kiểm soát chặt khâu bán thuốc ra thị trường. Các loại thuốc phải được ghi rõ các tính năng, chất độc, dùng cho cây gì, khi nào phun phù hợp và nguồn gốc kể cả từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Ngay cả các biện pháp chế tài, hình phạt răn đe nếu phát hiện phun các loại thuốc không theo quy định hiện cũng không có, thế nên người dân tự làm theo ý họ và hậu quả là tất cả cùng lãnh đủ”.
Từng là cây nông nghiệp mũi nhọn, trà Việt đã được thế giới biết đến từ những năm đầu thế kỷ 20 khi bác sĩ Yersin đưa giống trà từ vùng Java lên trạm thực nghiệm ở đỉnh núi Hòn Bà, Nha Trang (1915) trồng thử và thành công, được khoa học định danh là giống trà Thea Yersinni - cây trà Yersin, tạo tiền đề cho người Pháp đưa trà vào Việt Nam gieo trồng đại trà và khai thác công nghiệp.
Lam Phong/ Báo Sài Gòn Giải Phóng
Không có nhận xét nào: