» » » Liên kết tiêu thụ lúa ở ĐBSCL: Chưa hết khó lại ló cái... khó hơn

ĐBSCL đang bước vào thu hoạch lúa hè thu sớm, nhưng giá lúa chỉ đứng ở mức thấp và khó bán. Nhiều người kỳ vọng mô hình liên kết tiêu thụ sẽ hóa giải khó khăn này. Nhưng thực tế trong vụ đông xuân vừa qua, liên kết tiêu thụ còn mang lại nhiều khó khăn hơn nếu chỉ có nhà nông và doanh nghiệp nỗ lực.

Do khó tiếp cận vốn vay, HTX Tân Cường không thể hoàn thành hệ thống lò sấy theo tiến độ hợp đồng liên kết tiêu thụ. Ảnh: Lục Tùng

Liên kết cũng… “chết”

Dù đang bước vào thu hoạch lúa hè thu sớm nhưng theo phản ánh của nông dân, việc tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn. Hiện giá lúa IR 50404 là 4.150 đồng/kg, lúa (khô) hạt dài cũng dao động mức 5.200 - 5.300 đồng/kg và rất khó bán vì các cơ sở kinh doanh chưa “mở cửa”. Chưa kể theo ThS Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin (Sở NNPTNT Đồng Tháp): “Chính phủ một số quốc gia là bạn hàng lâu năm như Indonesia chủ trương hạn chế nhập khẩu gạo để vươn tới tự chủ lương thực, còn Chính phủ Thái Lan quyết định xuất khẩu gạo tồn kho với giá cực thấp”. Theo ThS Tuyên, Thái Lan đang quyết liệt tìm đầu ra cho 2 triệu tấn gạo bằng cách chấp nhận bán với giá 246 - 255USD/tấn, tương đương 5.364 - 5.560 đồng/kg gạo, tức chỉ xấp xỉ giá lúa tại ruộng ĐBSCL.

Mỗi khi việc tiêu thụ lúa gặp khó, nhiều người xem việc “liên kết tiêu thụ” như chìa khóa hóa giải. Nhưng thực tế vụ đông xuân 2014-2015 cho thấy liên kết tiêu thụ còn mang lại nhiều khó khăn hơn. Điển hình là trường hợp HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường - Tam Nông (Đồng Tháp) hợp đồng trồng 1.000ha lúa Jasmine 85 với chi nhánh Đầu tư và phát triển vùng nguyên liệu ĐBSCL (Tổng Công ty Lương thực miền Bắc - VNF1) và 684ha với Công ty TNHH TMXK Lộc Anh (công ty Lộc Anh) theo liên kết tiêu thụ: Đầu tư giống, hoặc đầu tư “trọn gói” sau đó thu mua trên cơ sở giá thị trường. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch, HTX chỉ bán được lượng lúa nhỏ theo hợp đồng, phần lớn phải tự bán bên ngoài. Cụ thể phải “thanh lý sớm” hợp đồng với VNF1 1.000ha, riêng công ty Lộc Anh chỉ mua được 4.000/6.200 tấn và đến nay vẫn còn nợ HTX khoảng 1 tỉ đồng.

Xin đừng “nhà ai nấy ở”

Theo ông Đoàn Văn Hiền - Chủ tịch HĐTV công ty Lộc Anh, chuyện nợ HTX là do công ty chỉ được ngân hàng giải ngân khoảng 10% trong gói vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14 của Chính phủ. Còn lý do khiến chi nhánh VNF1 thanh lý sớm hợp đồng là do lúa, gạo của HTX không đạt tiêu chuẩn chất lượng như hợp đồng. Cụ thể, theo hợp đồng, tỉ lệ thuần phải lớn hơn 90% nhưng thực tế chỉ đạt 75%. Thừa nhận chuyện lúa không đạt chất lượng, nhưng Giám đốc HTX Tân Cường Nguyễn Văn Trãi cho rằng, bản thân HTX cũng là nạn nhân. Không chỉ gặp khó trong vay vốn theo Quyết định 68 ngày 14.11.2013 của Chính phủ dẫn đến không hoàn thành hệ thống lò sấy đúng theo kế hoạch hợp đồng, HTX còn bị ảnh hưởng từ chất lượng giống của đơn vị cung cấp. “Khi kết quả kiểm tra cho thấy độ thuần lúa của HTX chỉ đạt khoảng 70%, tức mình tôi mang cả lúa siêu nguyên chủng ra chà thành gạo rồi nấu lên cũng… không đạt” - ông Trãi bức xúc.

Buổi làm việc giữa đoàn công tác liên ngành Ngân hàng Nhà nước với tỉnh Đồng Tháp vào cuối tháng 5.2015 về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp cho thấy, việc HTX Tân Cường bị nợ chỉ là chuyện nhỏ trong số 6 HTX liên kết tiêu thụ với công ty Lộc Anh (6.000ha). Bởi hiện có đến 4 HTX đang mòn mỏi chờ công ty thanh toán tiền mua lúa. “Thủ phạm” được xác định là thủ tục hành chính. Theo ông Đoàn Văn Hiền, khi công ty triển khai chuỗi liên kết tiêu thụ thì ngân hàng yêu cầu phải có bảo hiểm nông nghiệp, nhưng khi liên hệ với các công ty Bảo hiểm thì nơi đây cho biết chỉ mới thực hiện thí điểm trên lĩnh vực nông nghiệp.

Về lúa giống, ông Trãi bức xúc: “Cùng tên lúa Jasmine 85, nhưng gần như mỗi đơn vị cung cấp lại có chất lượng, phẩm cấp khác nhau, thậm chí giống ở một số đơn vị “tuyến trên” có lúc chất lượng không bằng “tuyến dưới”, nhưng chưa thấy cơ quan chức năng nào minh định, nên nông dân chúng tôi phải gánh hết mọi tổn thất”. Xem ra mối liên kết tiêu thụ “5 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà băng - ngân hàng) - xương sống tạo nên sự thành công cho chuỗi liên kết tiêu thụ sản xuất tiêu thụ lúa, gạo - sẽ không mang lại kết quả như kỳ vọng, nếu như vẫn tồn tại tình trạng “nhà ai nấy ở” mà sự bất cập trong sản xuất giống là điển hình.

Lục Tùng/ Báo Lao Động

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: