» » Khó như cơ giới hóa nông nghiệp

Mức độ cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những thước đo thể hiện năng lực hiện đại hóa sản xuất, hình thành sức cạnh tranh trong nền nông nghiệp hàng hóa. Ở nước ta, mặc dầu tỷ lệ cơ giới hóa cao song trình độ trang bị còn rất lạc hậu so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phòng cơ điện, Cục Chế Biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), cho biết, thời gian gần đây, cơ giới hóa nông nghiệp có bước phát triển nhanh, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp của cả nước đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, đối với lúa đạt 2,2 HP/ha canh tác, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2008. Số lượng máy động lực, máy nông nghiệp sử dụng trong nông nghiệp có mức tăng nhanh.

Mới đáp ứng 32,6% nhu cầu

So với năm 2006, số lượng máy kéo tăng 1,6 lần, máy gặt tăng 25,6 lần, máy phun thuốc BVTV tăng 5,8 lần. Cơ giới hóa nông nghiệp phát triển mạnh ở một số khâu, nhất là trong một số khâu của sản xuất lúa như làm đất 90%, thu hoạch tăng từ 5% năm 2000 lên 42% năm 2013, cao nhất vùng ĐBSCL đạt 76%.

Theo ông Tuấn, mặc dầu tỷ lệ cơ giới hóa cao song trình độ trang bị còn rất lạc hậu. Hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún. Cơ giới hóa tập trung chủ yếu trên cây lúa. Gieo trồng lúa bằng công cụ sạ hàng kéo tay, máy cấy mới chỉ rải rác ở một số địa phương với tỷ lệ thấp.

Phun thuốc BVTV đạt khoảng 60% nhưng hầu hết là bình xịt đeo vai không an toàn cho người sử dụng. Phần lớn thóc sau thu hoạch được làm khô bằng cách phơi nắng trong điều kiện thiếu sân phơi và nhiều nơi người dân sử dụng cả mặt đường.

Mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và châu Á, hiện công suất mới đạt bình quân 1,6 HP/ha canh tác, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan 4 HP/ha, Trung Quốc 8 HP/ha, Hàn Quốc 10 HP/ha.


Mặc dù có rất nhiều chính sách ưu tiên phát triển cho ngành cơ khí nói chung và cơ khí chế tạo máy nông nghiệp nói riêng nhưng thực tế chỉ có một số cơ chế, chính sách được triển khai.

Còn nhiều chính sách vướng mắc về cơ chế nên người dân và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ. Chẳng hạn như có chính sách quy định là nông dân mua máy thì được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong năm đầu tiên nhưng do cơ chế giải ngân chậm, lạc hậu nên nhiều chính sách không đến được với nông dân….

Gs.Ts.Trần Đức Viên, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng để chính sách đi vào thực tiễn cần phải thực hiện tốt các chính sách đó bằng các cơ chế cụ thể. Đặc biệt cho ba vị trí quan trọng là: doanh nghiệp, nông dân, nhà nghiên cứu khi đầu tư vào khoa học công nghệ, đầu tư cho cơ giới hóa.

Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010 tầm nhìn tới năm 2020, ngành cơ khí chế tạo máy kéo, máy nông nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được 32,6% thị trường (thấp hơn mục tiêu của chiến lược là 40-50% vào năm 2010). Nhập siêu của ngành cơ khí lớn hơn 10 tỷ USD/năm trong đó giá trị nhập khẩu thiết bị máy móc chiếm tỷ lệ cao nhất (năm 20066,6 tỷ USD; năm 201216,04 tỷ USD).

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, ngành cơ khí máy nông nghiệp gần như "dậm chân tại chỗ". Cả nước hiện có khoảng 100 cơ sở chế tạo, song phần lớn là quy mô nhỏ, sản xuất chất lượng thấp, quy trình sản xuất khép kín, thiếu chuyên môn hóa, thiếu hợp tác liên kết trong tổ chức sản xuất.

Cơ khí trong nước mới chỉ đáp ứng được hơn 30% nhu cầu, chủ yếu là các máy canh tác có công suất động cơ đến 24HP. Khả năng đáp ứng của cơ khí trong nước kém cỏi cả về số lượng và chất lượng.

Giải quyết bất cập trong chính sách

Ông Hòa cho rằng nguyên nhân chính khiến cơ giới hóa nông nghiệp kém phát triển là do thiếu nguồn lực (vốn) đáp ứng từ Ngân hàng NN&PTNT, chỉ có 2/11 dự án thuộc Chương trình cơ khí trọng điểm được giải ngân. Trong một thời gian dài, lãi suất vay vốn cao (10,8%) khó đảm bảo tính khả thi cho đầu tư dài hạn vào lĩnh vực cơ khí chế tạo.

Hỗ trợ đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản chế biến nông lâm thủy sản được hưởng theo nhiều ưu đãi trực tiếp. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư các cơ sở chế tạo máy móc thiết bị vào nông nghiệp vẫn còn khó khăn.

Nguyên nhân chính là chưa có quy hoạch tổng thể và chi tiết phát triển cơ khí chế tạo máy công nghiệp; các nhà đầu tư còn lúng túng trong lựa chọn sản phẩm và xây dựng các dự án đáp ứng các điều kiện của chính sách hỗ trợ.

Theo ông Tuấn, một trong những nguyên nhân hạn chế cơ giới hóa nông nghiệp ở nước ta là do thiếu hụt về nhân lực có trình độ sử dụng phương tiện máy nông nghiệp. Hiện lao động sử dụng máy nông nghiệp qua đào tạo còn thấp, phần lớn người vận hành máy nông nghiệp kể cả lái xe vận tải nông thôn không qua đào tạo, không có chứng chỉ bằng cấp.

Trước đây, cả nước có 5 trường đại học đào tạo trình độ đại học và sau đại học ngành cơ khí nông nghiệp thì hiện nay chỉ còn hai khoa cơ khí thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh. Số thí sinh vào ngành cơ khí nông nghiệp rất ít, việc tuyển sinh không đạt được các chỉ tiêu tuyển sinh, cá biệt năm 2011 không có thí sinh nào đăng ký học ngành cơ khí nông nghiệp.

Bên cạnh đó, quy mô đồng ruộng nước ta nhìn chung vẫn phân tán, manh mún. Hộ có diện tích lúa dưới 0,5 ha chiếm 85%, từ 0,5-1ha chiếm 8,5%, 1 - dưới 2 ha chiếm 4,4% trên 2ha chiếm 2,1% bình quân mỗi hộ có sử dụng đất lúa 0,44 ha đất. Điều này đã hạn chế việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật nội đồng cũng như việc áp dụng cơ giới hóa có hiệu quả.

Chất lượng các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho phát triển nông nghiệp còn thấp, thiếu đồng bộ, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của các vùng miền. Nhiều hệ thống thủy lợi xuống cấp không đồng bộ nên hiệu quả thấp, tình trạng thẩm thấu lãng phí nước còn khá phổ biến.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, để đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đạt 3,2 HP/ha canh tác và giải quyết những bất cập trong chính sách, Bộ NN&PTNT giao cho các cơ quan liên quan thành lập tổ rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, tham mưu Chính phủ, và những bất cập trong chính sách để đề xuất trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Mặt khác, Bộ cũng xác định lợi thế của từng vùng, lựa chọn loại hình máy móc, thiết bị phù hợp với từng cây, con cụ thể, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất và triển khai có hiệu quả các chính sách kích cầu đối với cơ giới hóa nông nghiệp.

Đối với địa phương, Bộ yêu cầu các tỉnh rà soát lại qui hoạch, chỉ đạo sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, hình thành cánh đồng lớn nhằm tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất nông nghiệp áp dụng áp dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phòng cơ điện, Cục Chế Biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT)

Cơ chế nghiên cứu và chuyển giao kết quả các đề tài khoa học công nghệ còn nhiều bất cập, quá trình từ nghiệm thu đề tài chuyển sang dự án sản xuất thử nghiệm thường kéo dài nên không đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất. Điển hình như các mẫu máy gặt đập liên hợp lúa, máy thu hoạch muối và không ít đề tài khác. Trên thực tế, rất ít sản phẩm hàng hóa, có thương hiệu xuất xứ từ kết quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp.

Thu Hường (Thời báo kinh doanh)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: