» » Để gạo Việt xếp hàng đầu thế giới

Các chuyên gia quốc tế từng so sánh gạo Vệt Nam với hình ảnh “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Bởi theo họ, gạo Việt từ xa xưa đã có thừa yếu tố độc đáo để gây ấn tượng với những người tiêu dùng khó tính nhất thế giới. Thế nhưng, trong thời hiện đại, rất nhiều năm qua gạo Việt chỉ xuất hiện trên thị trường thế giới một cách hết sức khiêm tốn, mờ nhạt. Thậm chí, “nàng công chúa” còn thường bị đóng “mác” của những tập đoàn kinh doanh lương thực trung gian thuộc các quốc gia khác, và tất nhiên họ không dại gì mà làm thương hiệu cho gạo Việt Nam.

Ngành lúa gạo nước ta so với thế giới đang đứng trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt

Có thể thấy rằng không phải gạo Việt Nam không có thương hiệu mà do hòan cảnh lịch sử, cơ chế sản xuất và kinh doanh lúa gạo nhiều năm qua đã làm thui chột không ít tên tuổi lừng danh của lúa gạo Việt Nam. Điều này dẫn tới một hệ lụy là giá trị mặt hàng gạo Việt Nam trên thị trường thế giới thường thấp hơn từ 15%-50% so với các sản phẩm cùng loại thuộc quốc gia khác. Thu nhập, đời sống của một bộ phận quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo là người nông dân do vậy hãy còn chưa cao, chưa xứng đáng với vị trí mà ngành lúa gạo Việt Nam đang chiếm giữ (về số lượng) trên toàn cầu.

Trong điều kiện đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, ngành lúa gạo nước ta so với thế giới đang đứng trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khi năng lực cạnh tranh của chúng ta thấp trên nhiều mặt cả về trình độ sản xuất, công nghiệp chế biến, chất lượng, giá cả. Đặc biệt, năm 2015, các sản phẩm nông nghiệp, nhất là lúa gạo sẽ được tiến hành theo lộ trình tự do hóa thương mại trong khu vực ASEAN. Điều đó đặt ra một yêu cầu bức thiết cho Việt Nam là cần xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng ngành lúa gạo để từ đó có sức cạnh tranh trên thị trường lúa gạo thế giới. Đáng mừng là sau khi xem xét ý kiến của giới chuyên gia, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21-5-2015 phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, đề ra mục tiêu, yêu cầu xây dựng thương hiệu lúa gạo; định vị giá trị, hình ảnh gạo Việt, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong, ngoài nước đối với sản phẩm gạo Việt Nam. Đây là cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thế giới.

Không thể phủ nhận quyết tâm mạnh mẽ và nhiều nội dung tích cực được chuyển tải qua Đề án thương hiệu gạo Việt Nam. Song, đường đi đến mục tiêu thương hiệu hàng đầu thế giới cần nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực hơn nữa. Để tránh làm thương hiệu kiểu phong trào, cần các dự án đầu tư cụ thể. Từ điểm xuất phát gạo không thương hiệu hiện nay, mục tiêu năm năm sau (đến 2020), phải có 20% và đến năm 203050% sản lượng gạo xuất khẩu đạt thương hiệu hàng đầu thế giới là một thách thức lớn, chưa kể, Đề án còn bỏ ngỏ mục tiêu “thương hiệu gạo” cho thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân Việt Nam ăn gạo Việt chứ không phải là gạo Thái Lan, gạo Campuchia. Cũng theo Đề án này, sẽ có nhiều cấp thương hiệu được xây dựng: thương hiệu gạo quốc gia, thương hiệu vùng, địa phương và các doanh nghiệp cũng sẽ xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Tuy đề ra rất nhiều nội dung khiến khâu thực hiện phải huy động rất nhiều bộ ngành, chương trình chốt lại  sẽ tập trung ưu tiên cho ba giống đặc sản của Đồng bằng sông Cửu Long: giống jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản.

Các chuyên gia lo ngại việc chuyển hướng quá nhanh từ không quan tâm gì tới việc xây dựng thương hiệu trong hàng chục năm qua tới việc phải đạt được những mục tiêu quá lớn, quá nhiều chỉ trong một thời gian không dài là một thách thức rất lớn. Tuy vậy, GS.TS Võ Tòng Xuân tin rằng Đề án có thể thực hiện thành công đúng theo mục tiêu thời gian nhưng với mục tiêu về tính chất của thương hiệu thì cần chọn một lộ trình thực tế nhất và ngắn nhất bao gồm năm khâu sau đây, áp dụng cho ba loại giống là giống lúa thơm, giống lúa cao sản và giống nếp: “Một là bình tuyển giống lúa làm giống quốc gia có tính chất địa lý từ 10 giống lúa thơm và lúa cao sản phổ biến nhất; Hai là tổ chức huấn luyện một số doanh nghiệp đang kinh doanh gạo Việt Nam có thương hiệu, rồi chọn doanh nghiệp có khả năng cao nhất về quản lý thương hiệu, cơ sở vật chất có nhà máy chế biến gạo được trang bị hiện đại, và có tổ chức vùng nguyên liệu; Ba là cho mỗi doanh nghiệp được chọn đứng ra cùng địa phương tổ chức lại nông dân trong vùng thích hợp để làm vùng nguyên liệu lớn. Tất cả nông dân tham gia sẽ được đào tạo quy trình GAP sản xuất lúa nguyên liệu; Bốn là doanh nghiệp lo đăng ký thương hiệu mỗi loại gạo của mình; Năm là xúc tiến thương mại các loại gạo có thương hiệu ra khắp thị trường nội địa và quốc tế qua các siêu thị, quảng cáo trên báo đài, tham dự các hội chợ quốc tế”. 

GS.TS Võ Tòng Xuân khẳng định, nếu thực hiện theo lộ trình đơn giản hóa trên đây, chắc chắn Việt Nam sẽ có gạo có thương hiệu để xuất từ năm 2020.  

Hữu Nguyên (Báo Đại Đoàn Kết)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: