Tính đến nay là đã tròn 1 năm kể từ ngày Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra có hiệu lực. Thế nhưng, câu chuyện tranh cãi xung quanh một số nội dung trong nghị định này vẫn còn đang tiếp tục diễn ra, chưa có hồi kết. Tính luôn quá trình xây dựng nghị định 4 năm trước đó nữa, là đúng 5 năm. Trong khi đó, tình hình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đang ngày một khó khăn.

Ảnh minh họa

Nghị định 36 đưa ra quy định kể từ ngày 31-12-2014, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải thực hiện nghiêm việc áp dụng tỷ lệ mạ băng đối với cá tra phi lê đông lạnh không được vượt quá 10%/tổng khối lượng sản phẩm và hàm lượng ẩm không được vượt quá 83%; thực hiện thu mua nguyên liệu theo giá sàn và xuất khẩu phải đăng ký hợp đồng với Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Nghị định 36 cho phép điều khoản quy định về tỷ lệ hàm ẩm và mạ băng ngày 31-12-2014 mới áp dụng để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, khi đến thời hạn thực hiện, nhiều doanh nghiệp phản ứng, cho rằng nếu áp dụng với tỷ lệ như trên họ không xoay trở kịp. Hơn nữa, không nhiều thị trường yêu cầu các sản phẩm theo tiêu chuẩn 83% hàm ẩm và 10% mạ băng. Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp đã “cầu viện” lãnh đạo các tỉnh; lãnh đạo các tỉnh đã báo cáo với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Ban Kinh tế Trung ương. Nhiều cuộc họp, hội nghị tiến hành tháo gỡ. Sau đó, được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã quyết định lùi thời hạn áp dụng đến ngày 31-12-2015.

Thế nhưng quy định trong Nghị định 36 vẫn còn đó. Thực hiện chỉ đạo Chính phủ về việc nghiên cứu thực tế để điều chỉnh các tỷ lệ trên cho phù hợp hơn nữa, vừa qua, Bộ NN-PTNT chủ trì hội thảo lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi về dự thảo sửa đổi Nghị định 36. Tại hội thảo này, vẫn có hai luồng ý kiến khác nhau về hàm lượng ẩm, tỷ lệ mạ băng và giá sàn đối với thu mua nguyên liệu cá tra. Hai luồng ý kiến cũng đi đến hai hướng. Đại diện một số doanh nghiệp đề nghị bỏ Nghị định 36, còn ý kiến ngược lại cảnh báo, nếu bỏ thì ngành cá tra sẽ đổ vỡ.

Theo dự thảo sửa đổi lần này, Bộ NN-PTNT đảm nhận hướng dẫn lộ trình áp dụng quy định về hàm lượng ẩm không quá 83% và tỷ lệ mạ băng không quá 10% trong sản phẩm cá tra xuất khẩu và không quy định thời hạn chót là ngày 31-12-2015 như trước đây. Tuy nhiên, ý kiến của một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lại đề nghị cần bỏ hẳn nội dung này trong Nghị định 36. Trong khi đó, Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VNPA) đề nghị Bộ NN-PTNT cần đảm bảo tỷ lệ mạ băng như cũ (10%), riêng hàm lượng ẩm từ 83% - 86% (không được vượt quá 86%) để có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam và cần có một lộ trình thực hiện cụ thể. Ngoài ra, VNPA cũng không tán thành việc bỏ giá sàn thu mua nguyên liệu cá tra, vì đây là công cụ an toàn để ngành cá tra Việt Nam có thể tự bảo vệ, phòng ngừa trước những vụ kiện chống bán phá giá vốn đã xảy ra khá nhiều thời gian qua.

Có thể thấy rằng việc đòi hỏi sửa đổi Nghị định 36 chỉ sau 1 năm nghị định có hiệu lực, và cả quá trình tranh cãi trước đó phản ánh tiếng nói của các nhóm lợi ích. Thực trạng này đang làm giảm niềm tin của những người trong chuỗi sản xuất yếu thế, ít có tiếng nói, nhất là người nuôi cá. Có lẽ vì thế mà Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám kiên quyết: Bộ NN-TNT đã nghiêm túc tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các đại diện của ngành hàng cá tra. Lộ trình thực hiện việc đảm bảo chất lượng ngành hàng đối với tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm, bộ sẽ xem xét và trình Chính phủ quyết định. Các điều khoản khác như thực hiện lập mã số nhận diện ao nuôi trên thực tế vẫn tiếp tục được triển khai mà không nhất thiết chờ đến quy hoạch hoàn chỉnh mới thực hiện để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc cá tra xuất khẩu, bảo vệ người tiêu dùng. Các vấn đề khác vẫn sẽ được duy trì theo nghị định 36 đã ban hành, vì mục tiêu của Chính phủ là cam kết đảm bảo chất lượng ngành hàng cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong khi ngành quản lý, các doanh nghiệp và hiệp hội mãi cãi nhau, thì trong 5 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu giảm 11% so với cùng kỳ, giá cá nguyên liệu đang dưới giá thành 3.000 đồng/kg, diện tích nuôi cá đang giảm dần vì người nuôi đã quá ngán ngẩm. Chờ đến bao giờ mới vực dậy được ngành xuất khẩu tỷ đô - sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia?

Hàm Luông (Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: