Ngành chè Việt Nam với sản lượng đứng thứ 5 thế giới, xuất khẩu sang 120 nước trên thế giới với các thị trường truyền thống là Đài Loan, Pakistan, Afganistan, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Indonexia, Malayxia, Singapore… Việt Nam có đầy đủ các loại chè phục vụ nhu cầu tiêu thụ đa dạng trên thế giới. Tuy nhiên, sản phẩm chè của Việt Nam còn đang gặp rất nhiều khó khăn khi xuất khẩu.

Hầu hết chè Việt Nam đều phải xuất khẩu dưới dạng sơ chế, đóng trong bao bì lớn không có thương hiệu nên giá trị rất thấp, gây thua thiệt nhiều cho người sản xuất kinh doanh chè Việt Nam. Tham gia đạt Chứng nhận thương mại công bằng là một trong những cách để ngành chè Việt nâng sức cạnh tranh, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu.

Chưa xây dựng được thương hiệu

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chánh Văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết ngành chè với gần 130.000ha diện tích trồng, năng suất khoảng 7,5 tấn/ha, sản lượng 900.000 tấn búp tươi, khối lượng chè khô khoảng 200.000 tấn, tổng giá trị bán hàng trong nước trên 3.000 tỷ đồng. Cả nước có khoảng 500 cơ sở sản xuất chế biến với công suất trên 500.000 tấn chè khô mỗi năm.

Sản phẩm chè ngày càng đa dạng, từ chỗ chỉ có 2 loại chè chính là chè đen OTD cho xuất khẩu và chè xanh cho thị trường trong nước, tới nay, Việt Nam có đầy đủ các loại chè phục vụ nhu cầu tiêu thụ đa dạng trên thế giới, trong đó chè đen chiếm 60%, 40% là chè xanh (gồm chè sao lăn, xanh duỗi, chè OTD xanh và các loại chè đặc biệt như Ô long, Phổ nhĩ, chè Hương, chè Thảo dược).

Theo ông Long, ngành chè Việt Nam còn tồn tại nhiều bất ổn. Hầu hết chè Việt Nam xuất khẩu dưới dạng sơ chế, đóng trong bao bì lớn, không có thương hiệu, nên giá rất thấp. Chè Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vào thị trường dễ tính, rất ít sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường yêu cầu chất lượng cao như EU.

Tình trạng trên bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chính: Doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu nổi tiếng, chưa xuất khẩu được chè thành phẩm đóng trong bao bì nhỏ phân phối tới tận tay người tiêu dùng; hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè Việt Nam có quy mô nhỏ, vốn ít, hạn chế về kỹ năng marketing, đàm phán ký kết hợp đồng ngoại thương; nhiều thị trường còn áp dụng mức thuế suất cao đánh vào chè nhập khẩu tạo thành lý do người mua buộc người bán chia sẻ bằng việc giảm giá.

Lâm Đồng sẽ là 1 trong 5 Vùng sản xuất chè chứng nhận thương mại công bằng tiềm năng

Bên cạnh đó còn nhiều nguyên nhân khác, như: ý thức tuân thủ quy trình của người trồng chè chưa cao; đầu tư cho nông nghiệp chè chưa thỏa đáng; khả năng cung ứng nguyên liệu chỉ bằng 1/2 khả năng tiêu thụ trong chế biến, dẫn đến hiện tượng tranh mua nguyên liệu làm giảm chất lượng nguyên liệu; chế biến thủ công và tiểu công nghiệp phát triển mạnh là nguyên nhân chính khiến cho nền công nghiệp chè Việt Nam manh mún, nhỏ lẻ lạc hậu; chất lượng chè bán thành phẩm và thành phẩm không bảo đảm... nhiều nhà máy lớn và hiện đại phải đóng cửa thua lỗ không hoặc khó thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước. Công tác kiểm tra và xử lý vi phạm vệ sinh ATTP không được tiến hành thường xuyên triệt để dẫn đến tình trạng lạm dụng chất độc hại trong chăm bón; các hộ nông dân trồng chè chiếm 80% diện tích chè khó tập trung công nghệ, phương thức canh tác hiện đại nhỏ lẻ manh mún và ít chuyên tâm vào một nghề; thiếu tổ chức sản xuất và quản lý theo chuỗi giá trị; sản xuất còn mang tính tự phát theo phong trào; đầu tư thâm canh thấp thiếu kỹ năng nghề nghiệp; sản phẩm chất lượng thấp và thiếu ATTP.

Nhận biết về thương mại công bằng còn hạn chế

Ngày này, khách hàng trong nước cũng như tại các thị trường xuất khẩu ngày càng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc sản phẩm và điều kiện sản xuất doanh nghiệp. Chính vì điều đó, việc các doanh nghiệp tham gia để đạt chứng nhận quốc tế về chất lượng sản phẩm rất quan trọng sẽ tạo sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình. Một trong những chứng chỉ quan trọng giúp ngành chè nâng cao vị thế là Chứng nhận thương mại công bằng.

Tuy nhiên, hiện cả ngành chè có rất ít đơn vị đạt chứng nhận quốc tế, kể cả chứng nhận trong nước cũng ít doanh nghiệp đạt được (3 doanh nghiệp có chứng nhận Oganic, 2 doanh nghiệp có chứng nhận Rainforest, 1 doanh nghiệp có chứng nhận UTZ, 2 doanh nghiệp có chứng nhận thương mại công bằng, 1 doanh nghiệp có chứng nhận Global Gap, 145 đơn vị bao gồm các nhóm hộ, HTX… có chứng nhận VietGap).

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI), thương mại công bằng là một xu thế trong thương mại quốc tế hiện nay, được nhiều khách hàng quan tâm. Nó dựa trên nguyên tắc bình đẳng trong sản xuất và kinh doanh, tôn trọng môi trường sống bền vững. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây là khái niệm tương đối mới mẻ, chưa được nhận biết nhiều. Các doanh nghiệp trong đó doanh nghiệp ngành chè ít quan tâm, ít doanh nghiệp có được chứng nhận thương mại công bằng, đây là thiệt thòi lớn cho ngành chè Việt Nam nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung.

Theo ông Hoàng Vĩnh Long, hiện cả nước có 2 doanh nghiệp chè đạt chứng nhận thương mại công bằng là công ty TNHH Một thành viên đầu tư và phát triển Bắc Hà và HTX chè Shan tại Yên Bái. Nhận biết của doanh nghiệp về chứng nhận thương mại công bằng còn rất hạn chế, với 72,86% doanh nghiệp được điều tra trong ngành chè không biết về chứng nhận này.

Có thể nói việc đạt chứng nhận nói chung, chứng nhận thương mại công bằng nói riêng chưa được các doanh nghiệp ngành chè quan tâm. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp muốn tham gia và cho rằng sẽ tham gia chứng nhận thương mại công bằng nếu có điều kiện, tuy nhiên hiện tại, doanh nghiệp chưa biết về chứng nhận nên việc tham gia đạt chứng nhận là điều rất khó khăn.

Theo ông Long, mục đích chính tham gia chứng nhận thương mại công bằng của doanh nghiệp là có thị trường, đạt mức giá bán cao hơn và tạo quan hệ kinh doanh lâu dài và bền vững, nhưng doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm các yêu cầu của thương mại công bằng, đồng thời lo ngại phải đầu tư nhiều mà khả năng thu lại thấp nên mức độ sẵn sàng đạt chứng nhận thương mại công bằng là không cao.

Thu Hường (Thời báo kinh doanh)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: