» » Xuất khẩu gạo, thực được bao nhiêu?

Trong khi Bộ Công Thương cho rằng khối lượng xuất khẩu gạo 4 tháng ước đạt 2,04 triệu tấn, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quả quyết khối lượng gạo xuất khẩu cũng chỉ được 1,6 triệu tấn. Với đà suy giảm mạnh cả về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo trong thời gian qua, vậy thực ra số lượng gạo xuất khẩu được bao nhiêu?

Đưa ra dẫn chứng trong tháng 4 chỉ xuất được khoảng 600.000 tấn gạo, ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), cho biết qua theo dõi tình hình xuất khẩu gạo, chưa bao giờ mặt hàng này vượt qua con số 750.000 tấn/tháng, khi mức cao nhất cũng chỉ đạt khoảng trên 700.000 tấn/tháng. Do đó, với mức giá đang giảm mạnh như hiện nay, tình hình xuất khẩu chậm lại, thì trong 4 tháng đầu năm nay, khối lượng gạo xuất được sang các thị trường chỉ khoảng 1,6 triệu tấn.

1,6 triệu tấn hay 2 triệu tấn?

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, cho biết tính đến ngày 15/4, khối lượng gạo xuất khẩu đã đạt được 1,5 triệu tấn gạo. Do đó, hết tháng 4, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt khoảng 2 triệu tấn.

Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản 4 tháng đầu năm cũng cho biết, khối lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 2,04 triệu tấn, trị giá đạt 889 triệu USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2014, lượng xuất khẩu giảm 0,5%, trị giá giảm 5%. Giá gạo xuất khẩu trung bình quý I437 USD/tấn, giảm 5,1% so với cùng kỳ.

Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho biết nhu cầu mặt hàng gạo trong 4 tháng đầu năm yếu, nên lượng tiêu thụ 4 tháng chỉ đạt khoảng 1,6 triệu tấn. Hiện còn khoảng 1,2 triệu tấn gạo dự trữ và tiêu thụ, cộng với tồn kho theo hợp đồng của các doanh nghiệp thì có khoảng 1,7 triệu tấn. Giá bán cũng đang giảm sâu và đầu ra khó khăn, khi lúc khởi động mua 1 triệu tấn gạo dự trữ, giá chênh lệch vài trăm đồng/kg giữa đầu kỳ và cuối kỳ mua, còn hiện tại giá đã giảm sâu.

Thực ra số lượng gạo xuất khẩu được bao nhiêu?

“Trên 50% lượng gạo mua dự trữ là mặt hàng gạo trắng thông thường, đây lại là mặt hàng đang tiêu thụ khó khăn. Các thị trường cạnh tranh mặt hàng gạo thơm với Việt Nam đang bán giá rất thấp nhưng mức tiêu thụ vẫn khả quan hơn. Thị trường châu Phi nhập khẩu gạo thơm từ Việt Nam tăng tới 27%, nhưng mặt hàng gạo trắng lại nhập rất ít, trong khi gạo trắng là mặt hàng thị trường châu Phi có sức tiêu thụ lớn, khoảng 14 triệu tấn/năm. Lý do là gạo trắng Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn quá, dân châu Phi không thích. Trong khi mặt hàng này của Thái Lan giá quá rẻ, và chất lượng đảm bảo hơn. Do đó, nếu Việt Nam không cải thiện chất lượng gạo trắng thì sản lượng xuất khẩu sẽ còn tiếp tục giảm”, ông Năng nói.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu gạo sang một số thị trường chính giảm mạnh so với cùng kỳ. Đơn cử, thị trường Philippines đạt 103,5 triệu USD, giảm 41%; thị trường Trung Quốc đạt 136 triệu USD, giảm 45,1%; thị trường Hồng Kông đạt 13,4 triệu USD, giảm 41,2%.

Một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu tăng là Malaysia đạt 29,9 triệu USD, tăng 103% và các nước châu Phi như Ghana, Bờ biển Ngà, Angieri. Nguyên nhân là do gạo Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia… do đồng loạt xả hàng.

Lo ngại sức ép cạnh tranh

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong đầu năm 2015, chiếm 27,3%. Tuy nhiên, thị phần của nước này đang có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014, khi giảm 40,32% về khối lượng và 45,11% về giá trị.

Nguyên nhân là do chính sách điều hành của Trung Quốc với hoạt động nhập khẩu gạo có sự thay đổi, việc cấp hạn ngạch rất chậm trong khi nước này không cho nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, nên hoạt động xuất khẩu gạo sang thị trường này cũng bị “ách” lại. Thực tế, thời gian qua có hàng ngàn tấn gạo bị ùn ứ tại các cửa khẩu tiếp giáp với quốc gia này, càng gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cho dù khối lượng xuất khẩu gạo đạt được bao nhiêu, vẫn cần đánh giá đúng thị trường, với diễn biến tương đối phức tạp. Do đó, đây sẽ là thách thức khiến cho hoạt động xuất khẩu gạo trong các tháng tiếp theo gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm nay.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Vinafood 2, cơ hội thị trường đang tập trung chủ yếu vào các thị trường truyền thống, với hợp đồng tập trung. Đơn cử, trong cuối tháng 5 này, Philippines sẽ đấu thầu thêm 500.000 tấn gạo nên đây sẽ là cơ hội của Việt Nam; hoặc Malaysia hiện cũng đang thương thảo và “hứa” mua thêm gạo từ Việt Nam. Do đó, muốn có thêm hợp đồng thì bài toán cạnh tranh về giá vẫn tiếp tục đặt ra, bên cạnh yêu cầu tăng tính chuyên nghiệp về cung ứng để giữ được thị trường.

Bộ Công Thương nhận định, hoạt động xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do nguồn cung các nước xuất khẩu dồi dào, tạo cạnh tranh gay gắt trên thị trường, đặc biệt từ một số nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ hiện đang có lượng tồn kho cao.

Thái Lan cũng đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, giảm lượng tồn kho bằng nhiều biện pháp như giảm mạnh giá bán, nhằm giành lại các thị trường quan trọng, tạo sự cạnh tranh trên tất cả các phân khúc thị trường.

Các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Pakistan hiện cũng đang nỗ lực tăng cường cạnh tranh, giành thị trường xuất khẩu tại thị trường châu Phi và Trung Đông. Ngoài ra, Myanmar, Campuchia cũng đang tăng cường thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường EU, Trung Quốc.

Dự báo, trong ngắn hạn, các yếu tố của thị trường gạo có thể sôi động trở lại, khi cuối tháng 6 và tháng 7, tình hình sẽ tốt lên. Tuy nhiên, trong dài hạn, các chuyên gia cho rằng phải tính toán để mặt hàng gạo đưa ra thị trường là gạo thơm, là hướng đi mới trong xuất khẩu gạo, có thị trường riêng, gắn với chuyển hóa giống và sản xuất, thì hoạt động xuất khẩu gạo mới có nhiều cơ hội phát triển. Đối với gạo trắng, cần phải chuyển đổi theo hướng thị trường, tổ chức lại sản xuất tại các tỉnh.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương

Diễn biến thị trường gạo phân khúc tương đối rõ chủng loại và sản phẩm gạo. Do đó, chúng ta phải nhìn vào vấn đề này để nghiên cứu kỹ về thị trường, có kết nối các bộ ngành để tổ chức tốt khâu sản xuất, canh tác trong nông nghiệp. Vì giống lúa IR 50404 là thế mạnh của chúng ta, nhưng không phải vì thế mà khai thác triểt để, vì dung lượng thị trường có hạn. Cần có biện pháp thời gian tới là định hướng lại sản xuất nông nghiệp trong công tác phát triển giống lúa và các sản phẩm gạo. Làm sao liên kết doanh nghiệp với người nông dân theo sản phẩm gạo.

Ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT)

Đề xuất bỏ Thuế VAT 5% đối với gạo tiêu dùng trong nước đã được Thủ tướng phê duyệt sẽ tạo thuận lợi để tăng cường xuất khẩu tiểu ngạch rất lớn. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính nhanh chóng triển khai việc này. Triển khai nhanh thì doanh nghiệp mới được hưởng lợi, giúp thúc đẩy tiêu thụ gạo thông qua đường tiểu ngạch, giảm khó khăn cho doanh nghiệp do đang phải chịu tác động từ chính sách cấm biên của Trung Quốc.

Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam

Hiện có hai loại gạo đưa ra thị trường, với gạo thơm đang có con đường riêng, nên nếu cập nhật Quyết định 62 của Thủ tướng về liên kết cánh đồng mẫu lớn và phát triển vùng nguyên liệu của Bộ Công Thương. Để tổ chức lại sản xuất, ngành nông nghiệp và địa phương cần tổ chức lại hệ thống giống, tổ chức lại hệ thống hợp tác xã và tổ chức lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, đánh giá lại thị trường thì sẽ giữ được cả giá và thị trường về trước mắt và lâu dài.

Cẩm An/ Thời báo kinh doanh

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: