» » » Xây dựng ngành hồ tiêu phát triển bền vững: Cần sự chung tay

Dù là quốc gia xuất khẩu dẫn đầu thế giới về hồ tiêu nhưng cho tới nay, thương hiệu hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa được đối tác nhập khẩu đánh giá cao và thường có giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm tiêu của Maylaysia.

Hồ tiêu Việt Nam thường có giá xuất khẩu thấp hơn các nước khác

Ông Phan Minh Báu - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai - nhìn nhận, có khoảng cách này là do hồ tiêu của Việt Nam vẫn chưa được phát triển bền vững, từ quản lý giống tới sản xuất chưa được làm theo một quy chuẩn nhất định nên chất lượng không đồng đều. Còn ông Hà Huy Thắng - Tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Pitco - đánh giá, việc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu là sự thật, rất khó kiểm soát vì tập quán canh tác của người nông dân và mô hình tổ chức thu mua qua nhiều khâu trung gian.

Không chỉ thiếu bền vững trong khâu sản xuất, việc xuất khẩu hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá rủi ro, phụ thuộc vào đối tác. Ông Thắng cho biết, khi xuất khẩu sang các nước Mỹ, EU, Nhật Bản các đơn hàng sẽ lớn, giá tốt nhưng lại rủi ro vì kỳ giao xa hoặc kéo dài. Trường hợp này nếu doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính, không có kho chứa và hệ thống sản xuất thì khi giá biến động sẽ dễ vi phạm điều khoản giao hàng. Còn với các thị trường châu Phi, Trung Đông và một phần châu Á thì không đòi hỏi khắt khe về chất lượng nhưng khả năng tranh chấp hợp đồng và rủi ro thanh toán là dễ có.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Đức Thụ - Giám đốc Công ty Trường Lộc, trong kinh doanh hồ tiêu, khâu thu mua rất quan trọng và quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Thực tế, mấy tháng đầu năm đã cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp bị thất bại trong việc thu mua và phải chịu lỗ khi xuất khẩu. Khi giá tiêu liên tục được đẩy lên cao thì các doanh nghiệp đã không thể thu mua kịp thời để giao hàng vì nhiều đai lý đầu cơ không chịu bán.

VPA cho biết, trong quý I/2015, giá tiêu đen xuất khẩu bình quân đạt 8.772 USD/tấn, tăng 2.264 USD/tấn (tăng 34,78%); giá tiêu trắng đạt 12.500 USD/tấn, tăng 2.926 USD/tấn (tăng 34,78%) so với cùng kỳ năm 2014. Theo VPA, đây là mức giá cao kỷ lục nhất từ trước tới nay, nếu duy trì được mức giá trên thì năm 2015 Việt Nam chỉ cần xuất khẩu 130.000 tấn tiêu các loại, ngành hồ tiêu cũng sẽ giữ được mức kim ngạch 1,2 tỷ USD như năm 2014.

Mặc dù biết rõ những yếu kém hiện tại nhưng việc khắc phục không phải một sớm một chiều. Ông Đỗ Hà Nam- Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) khẳng định, VPA rất muốn thực hiện sản xuất hồ tiêu từ A - Z, theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thế giới để tạo dựng thương hiệu cho hồ tiêu Việt Nam song không dễ. Bởi lẽ nếu sản xuất theo quy trình mà doanh nghiệp đưa ra thì năng suất sẽ giảm gần 1/2. Như vậy, dù giá có cao hơn đôi chút nhưng sản lượng giảm nông dân sẽ không được lợi nhiều. “Muốn làm tốt việc sản xuất thì phải có sự vào cuộc của nhiều ban ngành, địa phương và sự đồng thuận của người nông dân vì bản thân các doanh nghiệp không thể tự mình làm được” - ông Nam khẳng định.

Ông Thắng kiến nghị, nhà nước cần có sự quản lý chặt chẽ danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng, có chế tài đủ mạnh để răn đe việc sử dụng thuốc không được phép lưu hành. Về phía VPA cũng nên thống nhất mức premeium cho các sản phẩm tiêu sạch trên cơ sở độ chênh giá giữa giá tiêu Malaysia, Ấn Độ, Indonesia với Việt Nam (thường giá tiêu Việt Nam thấp hơn các nước trên từ 600 - 1.200 USD/tấn do vấn đề chất lượng).

Thùy Dương/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: