Sau nhiều năm bền bỉ thực hiện các quy định của đối tác, hôm nay (30.5), lô vải tươi đầu tiên của Việt Nam sẽ chính thức xuất sang thị trường Mỹ. Trước sự kiện đặc biệt này, Báo Lao Động có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hoàng Trung xung quanh công tác chuẩn bị trước thời điểm quan trọng.
Người dân Lục Ngạn (Bắc Giang) đang thu hoạch vụ vải sớm xuất đi Mỹ. Ảnh: X.L
Để được Mỹ, Australia cấp “quota” cho quả vải, nhãn, Việt Nam phải trải qua một quá trình vô cùng khó khăn. Ông có thể nói rõ hơn về quy trình này?
- Để xuất khẩu quả tươi vào các thị trường khó tính này, trên nguyên tắc vải và nhãn Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật… Để quả nhãn, vải vào thị trường Mỹ, Australia, chúng ta thực hiện đầy đủ các rào cản kỹ thuật, vào thị trường Mỹ quả vải phải mất hơn 10 năm, vào thị trường Australia mất gần 12 năm, quả thanh long mất 6 năm. Ngay sau khi nhận được thông báo chấp nhận từ các đối tác, Cục BVTV đã có công tác chuẩn bị, hướng dẫn bà con trồng vải theo quy trình VietGAP. Sau 5 tháng, các địa phương làm tốt công tác chuẩn bị, Cục BVTV đã kiểm tra và cấp 10 mã số vùng trồng đối với cây vải (8 mã ở Bắc Giang, 2 mã tại Hải Dương) và 4 mã vùng trồng đối với cây nhãn (2 ở Hưng Yên, 2 ở Hà Nội). Nếu thuận lợi, chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng mã vùng trồng.
Bên cạnh việc được xuất khẩu vải, nhãn vào thị trường Mỹ, Australia… một trong những vấn đề mà đối tác yêu cầu mà ta còn gặp khó khăn là khâu chiếu xạ. Vấn đề này được giải quyết như thế nào, thưa ông?
- Một trong những yêu cầu của Mỹ, Australia là xây dựng bản đồ chiếu xạ. Đến nay, cơ quan của Mỹ, Australia đã chấp thuận kết quả xây dựng bản đồ liều lượng chiếu xạ cho quả vải, nhãn của Việt Nam. Ngay trong ngày 30.5, sau khi thực hiện chiếu xạ ở TPHCM, Công ty TNHH Ánh Dương Sao sẽ xuất container vải tươi đầu tiên bằng đường hàng không sang Mỹ (khoảng 1 tấn vải), ngày 1.6 xuất 6 tấn (5 tấn nhãn, 1 tấn vải) cũng vào thị trường này và ngày 10.6, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Rồng Đỏ xuất container vải tươi đầu tiên sang Australia (dự kiến khoảng 1 tấn). Hiện nay, Công ty chế biến thủy-hải sản Sơn Sơn (TPHCM) sẽ thực hiện công tác chiếu xạ cho quả vải, nhãn xuất khẩu.
Việc xuất khẩu quả vải nâng cao giá trị đặc sản này như thế nào, thưa ông?
- Cục BVTV đã yêu cầu đơn vị chiếu xạ ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vải, nhãn xuất khẩu. Chi phí hiện nay khoảng 0,6-1USD/kg quả tươi chiếu xạ. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, Việt kiều đã đến Bắc Giang, Hải Dương để đặt vấn đề thu mua vải. Theo cam kết của doanh nghiệp sẽ thu mua tại vườn với giá vải cao hơn so với giá thị trường cùng thời điểm 10%.
Số lượng vải sẽ xuất khẩu sang Mỹ, Australia năm nay dự kiến là bao nhiêu, thưa ông?
- Trong những lô hàng đầu tiên, chúng tôi không kỳ vọng về số lượng nhiều, bán được càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, nếu làm tốt những lô hàng đầu tiên là khẳng định vải, nhãn, và những trái cây khác của Việt Nam đáp ứng được những yêu cầu của các nước khó tính. Sự kiện này cũng là cơ sở để đàm phán xuất khẩu sang các quốc gia khác, đồng thời tạo động lực cho nông dân về tư duy sản xuất, tạo tiền đề cho vụ vải sau, đây cũng là cách để chúng ta đa dạng hóa thị trường.
Bộ NNPTNT đã tính đến khả năng thành lập trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội chưa, thưa ông?
- Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ KHCN về trung tâm chiếu xạ Hạ Nội tại Cầu Diễn trực thuộc Bộ KHCN. Đại diện bên Bộ NNPTNT đã xuống xem cụ thể tình hình. Về cơ bản chỉ cần nâng cấp kho bãi, mức chiếu xạ là trung tâm có thể đi vào hoạt động. Bộ KHCN đã quyết định đầu tư 20 tỉ đồng để nâng cấp trung tâm này. Sau khi kiểm tra, khảo sát lần cuối, Bộ NNPTNT sẽ mời chuyên gia của Mỹ, Australia đến đánh giá cụ thể. Dự kiến cuối năm 2015 chương trình nâng cấp sẽ xong để đón vụ vải 2016.
Xin cảm ơn ông!
Thu Hà/ Báo Lao Động (thực hiện)
Không có nhận xét nào: