» » Hiện tượng chặt bỏ và bán vườn cao su chỉ là số ít

Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội cao su Việt Nam, vừa qua có hiện tượng nông dân bán vườn cao su hoặc chặt bỏ vườn cao su để trồng cây khác, nhưng đây chỉ là một số ít hộ nông dân trồng cao su tại vùng đất xấu, sử dụng giống kém chất lượng.

Hiện tượng chặt vườn cao su chỉ là số ít - Ảnh: TL

Bên lề một hội thảo về nguyên liệu gỗ diễn ra sáng nay 13-5 tại Hà Nội, bà Hoa cho hay, cách đây 5 năm giá cao su lên quá cao khiến người dân ào ào chuyển sang trồng cao su. Nhiều hộ dân trồng trên đất xấu hoặc sử dụng giống kém chất lượng nên giá bán không đủ bù giá thành sản xuất, và do vậy có hiện tượng nhiều hộ dân chặt cây cao su trồng cây khác hoặc doanh nghiệp rao bán vườn cao su.

Tuy nhiên, bà Hoa cho hay, đây chỉ là số rất ít. Phần lớn người dân và doanh nghiệp tìm biện pháp trồng xen canh hoặc nuôi xen canh với cây trồng, vật nuôi khác để tăng thêm thu nhập, chờ qua thời kỳ khó khăn của ngành cao su.

Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, đối với những vườn cao su kém chất lượng, không có khả năng cạnh tranh thì người dân nên chặt bỏ và chuyển sang trồng những cây có giá trị cao hơn. Nhưng đối với những vườn cao su trồng đúng quy chuẩn và giống tốt thì người dân vẫn có thể duy trì chờ giá lên.

Những tháng gần đây giá cao su thế giới đã có xu hướng nhích lên, đạt khoảng 1.500 đô la Mỹ/tấn. Với mức giá này nông dân vẫn có lãi đôi chút. Vì vậy, Hiệp hội cao su khuyến cáo người dân không nên tiếp tục chặt cây cao su nữa.

Tuy vậy, theo bà Hoa, cây cao su đang phải chịu mức thuế đất quá cao, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Ví dụ như ở Tây Ninh dự tính sẽ tăng thuế đất lên 5 triệu/héc ta, còn ở một số tỉnh Bình Dương, Bình Phước là 2-3 triệu/héc ta thuế đất trồng cao su, cao hơn rất nhiều so với mức thuế đất trước đó. Hơn nữa, mỗi tỉnh lại công bố một mức thuế đất khác nhau cho cùng một diện tích và một loại cây trồng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cao su đang trồng xen canh với một số cây trồng khác để tăng thu nhập trong bối cảnh giá cao su đang thấp. Những vườn này đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, chưa cho thu nhập nhưng vẫn phải chịu thuế đất. Giai đoạn kiến thiết cơ bản với từng loại cây trồng là khác nhau nhưng cũng phải mất trung bình từ 5 đến 7 năm. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc vẫn phải chịu thuế đất trong khi vườn cây chưa có thu nhập là điều hết sức vô lý.

Chính vì vậy, Hiệp hội cao su đã đề nghị Bộ Tài Chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên xem xét giảm thuế đất và miễn thuế với vườn cây đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản nhằm giảm gánh nặng cho nông dân và doanh nghiệp trồng cao su và giảm bớt tình trạng chặt vườn cao su chuyển đổi sang cây trồng khác.

Thùy Dung/ thesaigontimes.vn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: