Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết sẽ xóa bỏ bảo hộ ngành mía đường nhưng ngành này vẫn còn thời gian để tự điều chỉnh những khiếm khuyết nội tại nếu muốn tiếp tục với cuộc chơi trong bối cảnh hội nhập sâu rộng sắp diễn ra.
Ngành mía đường sẽ tồn tại nếu những khó khăn nội tại được giải quyết tốt. Trong ảnh là mía được vận chuyển lên ép tại nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang). Ảnh. Trung Chánh
Cơ hội cuối cùng
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên bộ về quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô quí 1-2015 tổ chức hôm 30-3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến việc xóa bỏ bảo hộ ngành mía đường. Trước đó Chính phủ cũng đã có quyết định cho phép nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sản xuất.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc xóa bảo hộ nhằm giúp doanh nghiệp ngành mía đường tái cơ cấu hoạt động, đưa công nghệ mới vào sản xuất để có được sản phẩm chất lượng cao hơn, giá thành rẻ hơn, gia tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng sắp diễn ra.
Đánh giá của một số nhà chuyên môn cho biết việc nhập khẩu đường từ Lào hay quyết định xóa bỏ bảo hộ được xem là “phép thử” đối với ngành mía đường trong nước, thách thức doanh nghiệp phải “tự” điều chỉnh bản thân, nếu muốn tiếp tục đứng vững trong bối cảnh hội nhập.
Có ý kiến cho rằng những quyết định trên được đưa ra quá chậm, nhưng hiện cũng không hẳn đã hết cơ hội để doanh nghiệp “sửa sai”, bởi thực tế theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hiện nhập khẩu đường vẫn phải chịu thuế 5% đến năm 2018. “Riêng đối với 50.000 tấn đường nhập khẩu từ Lào, thì chịu áp thuế nhập khẩu là 2,5%”, ông Long cho biết.
Như vậy, rõ ràng trong khoảng thời gian chờ doanh nghiệp “tự” giải quyết những khó khăn nội tại, sản phẩm của họ vẫn còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Cái kết còn ở phía trước
Theo kịch bản cam kết hội nhập, thuế nhập khẩu đường vào Việt Nam là 0% trong năm 2018 sẽ là điều chắc chắn, nhưng ngành mía đường trong nước có trụ được hay thất bại thì chưa thể khẳng định được ngay lúc này.
Tuy nhiên, nói về vấn đề này, ông Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế Việt Nam khẳng định: “Đây sẽ là liều thuốc rất đắng để ngành mía đường trỗi dậy và tự sửa mình”.
Theo ông Doanh, trước giờ ngành mía đường sống được là nhờ trợ cấp thông qua đánh thuế và hạn chế nhập khẩu. “Với việc hội nhập này và quyết định không bảo hộ, thì tôi hy vọng ngành mía đường sẽ vùng dậy để chiếm lĩnh thị trường, nhưng đó sẽ là vấn đề không hề đơn giản bởi vì giữa chúng ta và các nước đã có khoảng cách quá lớn về mặt hiệu quả và năng suất”, ông Doanh cho biết.
Trong khi đó, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho rằng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế hay hội nhập, có thể có một số ngành yếu sẽ mất đi, thay thế bằng những ngành khác hiệu quả hơn. “Chẳng hạn, nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào khoảng những năm 1980 rất mạnh về những sản phẩm như đậu nành, đậu xanh và cả bắp…, nhưng về sau nó đã dần biến mất để cho cây lúa thay thế”, ông Dũng dẫn chứng.
“Vì sao lại như vậy?”, ông Dũng đặt vấn đề và tự giải thích rằng do những loại cây trồng đó không có năng suất cao, không có khả năng cạnh tranh với cây lúa, cho nên cuối cùng lúa gạo ngày càng thắng thế.
Tương tự, theo ông Dũng, nếu viễn cảnh mở cửa mà ngành mía đường chưa trang bị được những biện pháp để gia tăng sức cạnh tranh, thì có thể nó sẽ bị suy yếu dần và mất đi để chuyển sang những ngành khác hiệu quả hơn. “Đó là bái toán về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đó là một sự đánh đổi”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, nếu doanh nghiệp, ngành mía đường chịu đầu tư công nghệ mới; những người nông dân ở quy mô nhỏ tập hợp lại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để chăm sóc mía, tạo năng suất cao hơn…, thì họ có thể bắt đầu khôi phục lại, tăng khả năng cạnh tranh hơn.
ĐBSCL giảm hàng ngàn héc ta mía
Theo thống kê của huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), tính đến cuối năm 2014, diện tích mía của địa phương này chỉ còn gần 7.400 héc ta, giảm trên 810 héc ta so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 347 héc ta được nông dân chuyển sang nuôi tôm. Trong khi đó, ở huyện Long Phú (Sóc Trăng), diện tích mía hiện chỉ còn khoảng 500 héc ta, giảm khoảng 50% so với năm 2012.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, cách đây 3 năm, diện tích mía của địa phương đạt khoảng 15.000 héc ta, nhưng hiện chỉ còn khoảng 12.000 héc ta do giá mía liên tục giảm, nông dân chuyển sang trồng cam sành cho hiệu quả cao hơn.
Trung Chánh/ thesaigontimes.vn
Không có nhận xét nào: