So với tháng trước, giá khoai lang tím Nhật tại Bình Tân hiện đã giảm một nửa. Điều này khiến nhiều nông dân lo lắng bởi năng suất khoai năm nay cũng không bằng năm trước.
Giá khoai giảm, năng suất giảm, nông dân lo lắng.
Giá tụt, năng suất giảm
Theo một số nông dân, tháng trước giá khoai lang tím Nhật ở mức 680.000 đồng/tạ thì hiện nay đã giảm 50%. Cụ thể, khoai lang tím Nhật còn 380.000 - 400.000 đồng/tạ, khoai lang trắng giảm 30.000 - 40.000 đồng/kg, còn 270.000 đồng/tạ, khoai lang sữa giảm 60.000 đồng/tạ, còn 190.000 đồng/tạ.
Cô Lê Thị Bảy (xã Thuận An- TX Bình Minh) đang thu hoạch gần 10 công trồng khoai lo lắng: “Giá khoai chỉ còn gần 400.000 đồng/tạ, xuống quá. Có 2 người đến hỏi mua rồi nhưng họ ép giá quá”.
Tương tự, chú Ngô Văn Hải (xã Thành Trung- Bình Tân) ngao ngán: “Giá khoai giảm quá, chỉ bằng 50% so với năm trước. Với mức giá này nông dân khó có lời”. Chú Huỳnh Ngọc Có- Giám đốc Công ty CP Khoai lang Nhật Thành (xã Thành Đông- Bình Tân) cho biết: “Hiện giá khoai rẻ, đang trong mùa thu hoạch lại không tìm được đầu ra nên lượng khoai tồn lại còn nhiều”.
Chú Sơn Văn Luận- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Tân Thành (Bình Tân) cho biết: “Khoảng 1 tháng nay khoai lang rớt giá mạnh. Giá năm nay thua năm rồi, sản lượng khoai cũng ít hơn 30- 40%. Năng suất đạt thấp, chi phí cao.
Giá năm trước có khi lên đến 800.000 đồng/tạ, năm nay cao nhất chỉ 680.000 đồng/tạ nhưng giờ chỉ còn 50% so với giá năm trước.
Thương lái thu mua khoai chủ yếu lời hàng dạt nhưng bán không được nên hạ giá. Thu mua nhiều nhất ở xã Tân Thành, Thành Trung, giáp ranh tỉnh Đồng Tháp.
Lúc trước, nhập 30- 40 tấn khoai/ngày, vài ngày là hết. Giờ bán không được, kho của tôi còn khoảng 80 tấn khoai chưa tiêu thụ được, số lượng khoai của HTX cũng còn rất nhiều, phần lớn là hàng dạt. Năm rồi, giá khoai dạt “bèo” nhất cũng 500 đồng/kg, năm nay chỉ có 70- 80 đồng/kg, 5.000 đồng/tạ mà vẫn không bán được. Mấy ngày nay tôi phải kêu người đến chở về cho cá, cho bò ăn”.
Anh Nguyễn Văn Trí- cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Tân cho biết: Vụ khoai Đông Xuân này xuống giống 7.000ha. Hiện diện tích khoai đã thu hoạch là 1.283ha. Mỗi tuần nông dân thu hoạch từ 300 - 400ha.
Với mức giá 380.000 đồng/tạ, nếu nông dân thu hoạch được 45 tạ/ha sẽ có lời khoảng 5 triệu đồng, còn dưới mức đó thì từ huề vốn đến lỗ. Năm nay, năng suất thấp hơn năm trước nhiều, do khâu chọn giống, làm đất, chăm sóc không tốt. Đồng thời, giá khoai năm nay thấp hơn cùng thời điểm năm trước từ 200.000 - 250.000 đ/tạ.
Khoai lang tím Nhật chủ yếu tiêu thụ qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, giá cả đều do Trung Quốc quyết định, nông dân phải lệ thuộc vào người mua trong khi không có một hợp đồng nào được ký kết. Điều này khiến nông dân chịu nhiều thiệt thòi.
Lo đường vận chuyển
Thêm vào đó, nhiều nông dân cho biết, hiện Đường tỉnh 908 đang được thi công nên hiện trọng tải của tuyến đường không đáp ứng được cho phương tiện vận chuyển hàng hóa. Bởi tuyến đường này chỉ có trọng tải 8 tấn, cầu 10 tấn, còn hầu hết xe vận chuyển đều trên 10 tấn.
Chú Hải cho biết thêm: “Nếu đi đúng tải thì khó có lời. Nếu vận chuyển bằng đường sông ra Bình Minh phải qua 2 lần bốc vác. Lấy lý do khó khăn trong khâu vận chuyển nên thương lái lại có cớ để ép giá nông dân, khiến giá khoai giảm xuống”.
Chú Luận nói thêm: “Những năm gần đây, sức tiêu thụ khoai trong nước có khả quan hơn. Hiện HTX đã liên kết được một số công ty rau củ quả ở Bình Thuận, Tây Ninh, Hà Nội, xuất được 10 tấn/tuần. Thị trường TP Hồ Chí Minh cũng hút hàng nhưng giờ vận chuyển khó, thêm phí vận chuyển đường thủy tốn thêm 100.000 đồng/tấn, nên giá thành hạ, nông dân chịu thiệt. 3 năm trở lại đây, hầu như nông dân phải chịu lỗ vì chi phí cao.
Đi các thị trường xa như Hà Nội, hay xuất sang Trung Quốc thì bắt buộc phải sử dụng xe lớn, trọng tải cao. Nhưng xe chở quá tải Đường 908 thì bị phạt. Mấy ngày nay, kêu xe vào lấy hàng nhưng chủ xe không dám vào vì sợ bị phạt. Hiện tại vận chuyển bằng đường thủy ra Bình Minh phải thêm 100.000 đồng/tấn.
Theo đó, chú Luận đề nghị: “Nếu được, khi mùa thu hoạch, các ngành chức năng có thể tạo thuận lợi ít ngày để xe vận chuyển sản phẩm ra hết. Có như thế nông dân mới tiêu thụ hết sản phẩm, cũng không sợ bị thương lái ép giá gây thiệt hại cho người trồng.
Thêm vào đó, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để kịp thời xử lý các trường hợp vật tư nông nghiệp giả, gây ảnh hưởng đến nông dân bởi năm nay tình trạng này xảy ra khá nhiều, khiến chi phí sản xuất bị “đội” lên rất nhiều.
Ông Trần Văn Na- Phó Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải tỉnh cho biết: Đường tỉnh 908 đang được thi công, theo kế hoạch đến năm 2017 sẽ hoàn thành. Với kinh phí đầu tư khoảng 180 tỷ đồng, sẽ được thi công trong 30 tháng, nâng tải trọng đường lên từ 8 tấn lên 20 tấn, mở rộng mặt đường từ 5m lên 7m. Công trình hoàn thành sẽ góp phần đảm bảo việc lưu thông cho người dân, giúp việc vận chuyển hàng nông sản dễ dàng, thuận tiện hơn.
Bài, ảnh: Thảo Nguyên/ Báo Vĩnh Long
Không có nhận xét nào: