» » » Điều Bình Phước: Được giá lại mất mùa

Mặc dù đơn đặt hàng và giá điều tăng cao nhưng DN điều Bình Phước lại không thể “bội thu” bởi mùa vụ 2014 - 2015 điều mất mùa và chất lượng giảm sút.

Diện tích điều ở Phước Bình dự báo sẽ tiếp tục giảm vì nhiều nông dân có xu hướng chặt bỏ, chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Theo Hội điều Bình Phước, tỉnh Bình Phước hiện có trên 210 DN và khoảng 400 cơ sở chế biến hạt điều với tổng công suất 130.000 tấn/năm, nhưng chỉ thu mua được 81.287 tấn hạt/năm (khoảng 65% sản lượng điều thô của tỉnh), còn lại phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài về chế biến.

Được giá lại mất mùa

Theo ghi nhận của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Bình Phước về vụ điều 2015, năng suất, sản lượng ở tất cả huyện, thị đều giảm, trong đó mất mùa nhiều nhất là ở Bù Đăng - huyện đứng thứ 2 về diện tích điều, sản lượng giảm khoảng 35,7%, năng suất bình quân chỉ đạt 9 tạ/ha. Bù Gia Mập - huyện có diện tích lớn nhất, giảm khoảng 21,4%, năng suất đạt 11 tạ/ha; Đồng Xoài giảm 31,2%...

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho thấy, diện tích cây điều trên toàn tỉnh đã giảm hơn 36.000 ha so với năm 2007, hiện chỉ còn chỉ còn khoảng 134.500 ha. Trong đó, diện tích sản xuất có hiệu quả chỉ chiếm 40-50%, là những vườn được trồng giống mới năng suất cao, trồng trên vùng đất tốt. Diện tích còn lại là điều già cỗi, kém năng suất hoặc trồng ở các vùng đất không đảm bảo điều kiện cho cây điều phát triển. Dự báo diện tích điều sẽ tiếp tục giảm vì nông dân vẫn đang có xu hướng chuyển sang trồng tiêu, cà phê, các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn điều.

Phát triển vùng nguyên liệu + chế biến sâu

Từ nhiều năm nay, cây điều ở tỉnh Bình Phước được xác định là cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, năng suất và cả chất lượng điều đã giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và 2 năm gần đây, giá điều thô thấp nên nông dân không còn mặn mà chăm sóc cây điều. Chính vì vậy, việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững đang là trăn trở lớn nhất của ngành nông nghiệp Bình Phước cũng như các DN điều tại đây.

Bình Phước phải sớm quy hoạch 150 nghìn ha điều với năng suất bình quân 2 tấn/ha.

Bà Nguyễn Thị Kim Nga - Chủ tịch Hiệp hội điều tỉnh Bình Phước cho biết, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngành điều phải sớm hình thành 200 nghìn ha điều, trong đó tỉnh Bình Phước quy hoạch 150 nghìn ha với năng suất bình quân 2 tấn/ha… Hiện việc xây dựng vườn điều mẫu lớn của Bình Phước đang trong giai đoạn chuẩn bị. Bà Nguyễn Thị Kim Nga khẳng định, việc xây dựng vườn điều mẫu lớn sẽ cho ra vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng ổn định, đảm bảo cơ giới hóa, chủ động nguồn xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh, góp phần xây dựng ngành điều phát triển bền vững. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất - khuyến nông để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nông dân, phổ biến cơ chế chính sách, hoạch định của Nhà nước về sản xuất nông nghiệp, thông tin khoa học kỹ thuật, thị trường giá cả nông nghiệp cho nông dân.

Hiện, Viện Bảo vệ thực vật và ngành chức năng tỉnh Bình Phước đang nghiên cứu các biện pháp phòng trị sâu bệnh hại mới và xây dựng các qui trình phòng trừ tổng hợp trên cây điều trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, tỉnh Bình Phước cũng đặt ra mục tiêu là đến năm 2020, sẽ xây dựng được 10 câu lạc bộ, cánh đồng mẫu có sự liên kết giữa người trồng điều với các DN có đầu tư thâm canh cây điều, ưu tiên cho diện tích trồng điều giống cao sản.

Tuy nhiên, theo bà Nga, cùng với các giải pháp trên, ngành điều có thể phát triển bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc tạo dựng được các DN mạnh. Do vậy, các DN Bình Phước cần tập trung hơn vào chế biến sâu, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, phát triển và bảo vệ thị trường cho chính mình.

Phương Hà/ Diễn đàn doanh nghiệp

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: