» » Vì sao nhiều địa phương phản đối chỉ tiêu tạm trữ lúa gạo?

Sau khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố con số (dự kiến) phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2014-2015, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã lên tiếng phản đối. Vì sao?

Nhiều địa phương phản đối chỉ tiêu (dự kiến) tạm trữ do VFA phân giao. Trong ảnh là nhân công đang chế biến gạo tại một doanh nghiệp ở An Giang. Ảnh: Trung Chánh

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch VFA kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho biết qua tổng hợp chỉ tiêu (dự kiến) phân giao mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo cho các tỉnh/thành ĐBSCL đến giờ phút này như sau: cao nhất là An Giang 251.433 tấn quy gạo, Cần Thơ 175.696 tấn, Đồng Tháp 155.474 tấn, Long An 118.757 tấn, còn lại một số tỉnh khác được phân dưới 100.000 tấn như Tiền Giang hơn 83.000 tấn, Kiên Giang 79.000 tấn. Một số tỉnh có chỉ tiêu dự kiến rất thấp, trong đó thấp nhất là Cà Mau với chỉ 2.400 tấn, Bạc Liêu 8.000 tấn.

Theo ông Năng, việc phân giao chỉ tiêu dự kiến như trên được thường trực VFA xem xét và thông qua được căn cứ vào bốn tiêu chí cơ bản như sau: doanh nghiệp có đăng ký chỉ tiêu mua tạm trữ vụ đông xuân 2014-2015; có thành tích trong thực hiện mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2013-2014; có năng lực xuất khẩu, khả năng tiêu thụ hết lượng lúa gạo thu mua tạm trữ và có thực hiện liên kết trong mô hình cánh đồng lớn.

Với kết quả phân giao như trên, thì chỉ có hai địa phương có chỉ tiêu tăng so với lần tạm trữ trước (vụ đông xuân 2013-2014- PV), một số địa phương vẫn giữ nguyên, nhưng có khá nhiều tỉnh/thành có chỉ tiêu phân giao giảm mạnh.

Cụ thể, Cà Mau giảm 600 tấn; Cần Thơ giảm 3.000 tấn; Đồng Tháp giảm 20.626 tấn; Kiên Giang giảm 8.000 tấn; Sóc Trăng giảm 5.000 tấn; Tiền Giang giảm 19.857 tấn; Vĩnh Long giảm 34.000 tấn.

Trao đổi với TBKTSG Online, lãnh đạo nhiều địa phương ở ĐBSCL cho rằng sản lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ của họ lớn, nhưng VFA lại giảm chỉ tiêu phân giao (dự kiến) nên họ đã lên tiếng phản đối và yêu cầu VFA cần tính toán lại cho hợp lý hơn khi có quyết định chính thức về phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2014-2015.

Một lý do khác được nhiều địa phương lên tiếng, cho rằng sự phân giao chỉ tiêu (dự kiến) tạm trữ lần này của VFA không hợp lý: đó là sản lượng tạm trữ quy ra gạo thực tế được các doanh nghiệp của địa phương mua vào rất thấp so với con số được phân giao.

Cụ thể, đối với An Giang, trong số 251.433 tấn thu mua, thì chỉ có 137.000 tấn được các doanh nghiệp trong tỉnh thu mua, phần còn lại được các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến thu mua; Bạc Liêu có chỉ tiêu 8.000 tấn, nhưng doanh nghiệp trong tỉnh thu mua chỉ có 3.000 tấn và trong số 83.143 tấn chỉ tiêu của Tiền Giang, thì doanh nghiệp trong tỉnh thu mua chỉ 67.000 tấn

“Ngoài việc con số thực tế do doanh nghiệp trong tỉnh thu mua rất thấp so với chỉ tiêu dự kiến, thì việc phân giao như vậy (phân giao doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh thu mua như phân tích ở trên- PV) sẽ khiến chúng tôi rất khó kiểm tra, quản lý được hết lượng gạo thực tế họ đã thu mua”, ông Huỳnh Văn Rành, Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang cho biết.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp cho rằng trong khi doanh nghiệp của địa phương hoàn toàn có đủ khả năng để mua hết lượng gạo theo chỉ tiêu (dự kiến) được VFA phân giao (155.474 tấn), nhưng do một số yêu tố khách quan lại để doanh nghiệp của địa phương khác vào thu mua là không công bằng. “Ở Đồng Tháp, có công ty Lộc Anh mới thành lập năm vừa rồi, có đủ năng lực xuất khẩu, năng lực thu mua, có liên kết bao tiêu 4.000 héc ta với nông dân ở huyện Tam Nông, nhưng do chưa có thành tích mua tạm trữ ở vụ trước (vì mới thành lập- PV) mà bị loại ra, không cho tham gia mua tạm trữ ở vụ này là một điều hết sức bất cập, cần được xem xét lại”, ông này cho biết.

Còn ông Huỳnh Thanh Hoàng, Phó giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, cho rằng Công ty Hoàng Long đã được Bộ Công Thương cấp phép xuất khẩu, có đăng ký mua tạm trữ 20.000 tấn, nhưng phân bổ (dự kiến) chỉ 3.000 tấn. “Tôi đề nghị VFA xem xét, bổ sung cho đơn vị này thu mua ít nhất 10.000 tấn”, ông Hoàng cho biết.

Trao đổi với TBKTSG Online về khả năng tiêu thụ lượng gạo đăng ký thu mua trong lần tạm trữ này, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng họ hoàn toàn có khả năng bán hết. “Trước khi đăng ký chỉ tiêu mua tạm trữ, chúng tôi cũng đã căn cứ vào khả năng bán ra của doanh nghiệp, chứ đâu phải muốn đăng ký mua bao nhiêu tùy thích ”, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL cho biết.

Tương tự, theo đại diện của Công ty TNHH Phước Đạt (Tiền Giang), trước khi đăng ký chỉ tiêu mua 15.000 tấn ở lần tạm trữ này, Phước Đạt cũng đã căn cứ vào năng lực xuất khẩu trong những năm qua của đơn vị, “cho nên việc tiêu thụ hết lượng lúa gạo tạm trữ, thì chúng tôi hoàn toàn có thể đảm đương được”, vị này cho biết.

Trước phản đối của nhiều địa phương, ông Năng của VFA cho biết sẽ xem xét lại và bổ sung thêm chỉ tiêu cho những địa phương và doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu từ con số dự phòng của VFA.

Trung Chánh/ TBKTSG

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: