Giá đường liên tục giảm và tồn kho tăng vào các năm trước, nhưng những tháng đầu năm nay, giá đường đã nhích dần, sức tiêu thụ lớn nên lượng đường tồn kho giảm đáng kể.
Giá đường đang có xu hướng tăng - Ảnh: TL
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), tính đến ngày 15-2-2015 các nhà máy đường đã ép được 8,57 triệu tấn mía, sản xuất được 807.180 tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép giảm 482.300 tấn, lượng đường giảm 27.850 tấn.
Tuy nhiên, một tín hiệu khả quan là lượng đường tồn tại kho các nhà máy đến ngày 15-2-2015 là 315.530 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 104.090 tấn.
Lượng đường các nhà máy bán ra từ 15-1-2015 đến 15-2-2015 là 324.230 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 161.020 tấn.
Bên cạnh lượng đường tồn kho giảm, giá đường trong nước cũng có dấu hiệu tăng lên. Hiện nay, giá đường đã tăng 500 – 700 đồng/kg so với tháng trước, giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (có VAT) tại nhà máy ở mức trên dưới 12.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường tăng một phần là do nhu cầu tiêu thụ đường dịp tết tăng nhưng quan trọng hơn là do Tổ chức đường thế giới (ISO) dự báo thị trường đường năm nay sẽ có biến động do cung cầu mía đường năm nay cân bằng, trong khi năm ngoái, nguồn cung vượt cầu đến 10 triệu tấn.
Hơn nữa, ISO cũng dự báo nguồn cung đường những vụ tới sẽ còn sụt giảm hơn nữa và sẽ gây tình trạng thiếu đường.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước có tâm lý “ôm” hàng khiến giá đường trong và ngoài nước đều có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, những tháng vừa qua, do hoạt động chống buôn lậu đường được kiểm soát chặt nên đường sử dụng chủ yếu là do trong nước sản xuất. Do đó lượng đường tiêu thụ tháng hai tăng vượt bậc, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Giá đường tăng kéo giá mua mía cũng tăng theo. Theo ghi nhận, giá mua mía 10 CCS tại ruộng vẫn ổn định: Nghệ An: 780.000 – 810.000 đồng/tấn; Cao Bằng, Sơn La: 800.000 - 870.000 đồng/tấn; Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Gia Lai, Tây Ninh: 900.000 đồng/tấn; Đồng bằng sông Cửu Long: 750.000 đồng/tấn; Phú Yên: 920.000 đồng/tấn. Một số nơi các nhà máy đang điều chỉnh giá mua tăng 20.000 - 30.000 đồng/tấn đối với lượng mía bị thu hoạch chậm (Mía bị già nên giảm trọng lượng).
Thùy Dung/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: