» » » Thương mại hóa giống biến đổi gen: Lo nguy cơ phụ thuộc giống!

Năm 2014, Việt Nam là quốc gia tiếp theo trong 29 quốc gia trên thế giới phê duyệt một số giống ngô biến đổi gen (BĐG) và dự kiến tiến hành canh tác vào năm 2015. Song bên cạnh đó, còn khá nhiều hoài nghi về cây trồng BĐG được đặt ra, nhất là khi quyết định thương mại hóa giống BĐG được thực hiện, nguy cơ phụ thuộc giống nước ngoài là điều không tránh khỏi.

Ảnh minh họa


Bộ NN&PTNT đã chính thức phê duyệt 4 giống ngô BĐG đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, gồm giống ngô Bt 11, MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và MON 89034 và NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam.

Đây cũng là bốn giống ngô BĐG đầu tiên tại Việt Nam được công nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, để có thể đưa vào sản xuất, 4 giống cây ngô BĐG này vẫn phải chờ quyết định phê duyệt về an toàn sinh học của Bộ TN&MT, nếu sớm cũng phải tới cuối năm nay mới triển khai trồng trên diện rộng.

Độc quyền chi phối

Theo PGs.Ts. Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển giống rau chất lượng cao, giống BĐG mang lại nhiều lợi ích khách quan nhưng sự chênh lệch nhóm lợi ích kinh tế sẽ tăng sự lệ thuộc vào các công ty cung ứng giống cùng với tác động từ tâm lý sẽ làm thay đổi dần môi trường nông nghiệp.

Ts. Nguyễn Hồng Minh cho rằng chi phí mua giống BĐG đắt gấp nhiều lần giống truyền thống. Số tiền này sẽ ngày càng nhiều lên khi người nông dân lệ thuộc vào các công ty cung ứng. Nhưng nếu họ muốn quay trở lại với giống cây cũ thì không thể do môi trường sinh thái đã biến đổi, đầu tư nhiều tiền, nhiều thời gian, công sức cũng khó cải tạo được như cũ.

Đồng thời, theo nhiều chuyên gia, nếu trồng đại trà thực phẩm biến đổi gen, một số lợi ích kinh tế có thể bị nguy hại, như người nông dân bị ép giá do lệ thuộc vào các công ty cung ứng giống, môi trường nông nghiệp bị biến đổi.

Bà Lê Thi Phi Vân, Viện chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho rằng những công ty xuyên quốc gia trong lĩnh vực này đang sử dụng giống BĐG, khiến cho nông dân ngày càng phụ thuộc vào họ để đạt mục tiêu lợi nhuận.

Vẫn biết xét ở khía cạnh Việt Nam đang thiếu và phải nhập hàng triệu tấn bắp/năm để phục vụ cho ngành chăn nuôi, rõ ràng việc đưa cây bắp BĐG (ưu thế đặc biệt là năng suất cao hơn hẳn so với bắp lai truyền thống) vào sản xuất là quyết định đúng.

Tuy nhiên, khi nhìn vào thực trạng ngành chăn nuôi và ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi mà phần lớn các DN, tập đoàn lớn của nước ngoài (FDI) đang nắm giữ lại khiến nhiều người không khỏi đặt câu hỏi “Việt Nam đang tìm gì trong chiến lược phát triển cây bắp BĐG?”.

Thực tế, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cả nước hiện chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi FDI đang hoạt động, chiếm 25% số doanh nghiệp cả nước (200 DN) nhưng nắm giữ đến 65 - 70% thị trường cả nước.

Trong khi đó, đối với ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, phần lớn thị phần đã rơi vào tay của CP (Thái Lan), Japfa (Indonesia), Emivest (Malaysia)... Cụ thể, thống kê của Cục Chăn nuôi, cho biết doanh nghiệp FDI hiện chiếm trên 70% thị phần gà công nghiệp của cả nước, trong đó riêng CP chiếm khoảng 50% thị trường trứng gà và 30% thị trường thịt gà công nghiệp và khoảng 7% thị trường thịt heo của cả nước...

Ai được lợi?

Tại hội nghị quốc tế về triển vọng ứng dụng cây trồng BĐG toàn cầu năm 2015 diễn ra chiều ngày 3/2, ông Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, khẳng định Việt Nam sẽ khó sản xuất được các giống cây BĐG và phải phụ thuộc vào các công ty sản xuất giống nước ngoài vì nếu muốn sản xuất được giống cây BĐG sẽ tốn rất nhiều kinh phí nghiên cứu.

Hơn nữa, theo ông Xuân, trồng cây BĐG, đặc biệt là bắp và đậu nành, không thể thay thế được bắp và đậu nành nhập khẩu như mọi người kỳ vọng. Hiện nay, chúng ta đang nhập 90% lượng bắp và đậu nành phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn cho người (dầu thực vật sản xuất từ đậu nành) chủ yếu từ các thị trường như Mỹ, Brazil và Argentina.

Để thay thế nhập khẩu, năng suất sản xuất bắp, đậu nành trong nước phải tương đương hoặc thấp hơn một chút so với năng suất của các nước nhập khẩu. Nhưng thực tế, năng suất lại không phụ thuộc hoàn toàn vào giống cây mà còn phụ thuộc vào kỹ thuật trồng, điều kiện tự nhiên, và máy móc…

Đồng quan điểm trên, Ts. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, cũng cho rằng một số người lo ngại việc sử dụng và trồng giống bắp BĐG do các tập đoàn đa quốc gia cung cấp sẽ dẫn đến độc quyền, áp đặt giá bán tăng cao cũng là điều hợp lý.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, Ts. Lê Huy Hàm cho biết, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi Việt Nam chưa có công nghệ sản xuất giống bắp lai, lúc đó ngành nông nghiệp trong nước cũng mạnh dạn cho các công ty giống của nước ngoài vào.

“Thời điểm đó, cũng từng có lo ngại xảy ra độc quyền vì trong nước không có công nghệ đó. Thế nhưng, thực tế chẳng những việc lo ngại đã không xảy ra mà còn thúc đẩy việc nghiên cứu bắp lai trong nước phát triển và cuối cùng Việt Nam cũng làm chủ được công nghệ sản xuất giống bắp lai”, ông Hàm nói.

Ngay cả khi Việt Nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống bắp lai rồi, hiện nay các doanh nghiệp trong nước cũng chỉ mới chủ động được khoảng 30% giống, 70% còn lại vẫn phải do các công ty đa quốc gia cung cấp nhưng cũng không hề có độc quyền xảy ra.

Song điều khiến nhiều chuyên gia trăn trở đối với cây trồng BĐG hiện nay, đó là chúng ta vẫn chưa có quy định về dán mác trên sản phẩm có sử dụng giống BĐG.

Theo quy định của châu Âu, lượng BĐG cao hơn 1% là phải dán nhãn, ở châu Á, 5% là dán nhãn. Song khi về Việt Nam, quy chế dán nhãn này vẫn chưa được thống nhất, vì đi theo đó còn cần hệ thống kiểm định, phí kiểm định.

Với thực trạng ứng dụng cây trồng BĐG như vậy, rõ ràng rất khó xác định được lợi ích kinh tế thật sự cho Việt Nam nếu cây bắp BĐG được phát triển trong nước theo như quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Song cũng đừng vì sợ độc quyền mà chúng ta không dám thử công nghệ hiện đại, tiên tiến này, bởi dù ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học nào thì điều cốt lõi cũng xuất phát từ việc chúng ta phải tự chủ được công nghệ đó.

PGs.Ts. Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam

Với công nghệ BĐG, nó sẽ giúp nông dân giảm chi phí thuốc trừ sâu (bắp kháng sâu đục thân), tăng năng suất. Thế nhưng, nếu công ty cung cấp giống bắp BĐG vì độc quyền mà tăng giá bán giống, hay nói cách khác, cái tăng của năng suất và giảm chi phí thuốc trừ sâu vẫn không bù được so với chi phí tăng giá của hạt giống, tức thu nhập sản xuất bắp BĐG không bằng bắp lai truyền thống, khi đó, đương nhiên, nông dân sẽ bỏ công nghệ mới (bắp BĐG)để quay về công nghệ cũ (bắp lai).

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN&MT (Bộ NN&PTNT)

Để giải quyết vấn đề nâng cao ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng với Bộ KH&CN khuyến khích các DN sở hữu bản quyền về công nghệ sinh học có thể hợp tác với viện nghiên cứu chuyển giao bản quyền gen mà Việt Nam cần, các DN nước ngoài sở hữu công nghệ gen tốt có thể chuyển giao cho DN Việt Nam để DN Việt Nam làm chủ công nghệ BĐG, từ đó đem lại lợi nhuận cao nhất từ công nghệ BĐG.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giống rau chất lượng cao

Điều nguy hiểm trước mắt là nếu chính sách thu mua nông sản cào bằng giữa sản phẩm từ truyền thống và BĐG, người trồng đương nhiên sẽ sử dụng giống BĐG. Trong 5 - 10 năm đầu tiên, người nông dân rất nhàn, năng suất cao, ít sâu bệnh. Nhưng cái lợi đó chỉ trong thời gian ngắn, hậu quả để lại vô cùng to lớn khi họ bị ép giá từ những công ty cung ứng xuyên quốc gia.

Lê Thúy/ Thời báo kinh doanh

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: