» » Thịt trâu bò nhập khẩu chiếm ưu thế

Nguồn thịt đông lạnh lẫn trâu bò sống được nhập về Việt Nam mỗi năm lại tăng cao hơn. Trong khi đó, đàn bò thịt trong nước lại teo tóp đi và đứng trước nguy cơ... biến mất.

Thịt bò ngoại tràn ngập thị trường - Ảnh: Diệp Đức Minh

Bò ngoại chiếm ưu thế

Thường xuyên đi mua thực phẩm ở siêu thị, chị B.T.N (ngụ tại Q.7, TP.HCM) phát hiện: “Các siêu thị hiện nay không bán thịt bò nội địa nữa mà chỉ bán bò Úc. Muốn tìm mua thịt bò truyền thống chỉ có thể đến các chợ nhỏ, nhưng số lượng không nhiều”.

Thật vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, tại các hệ thống siêu thị Maximark, Vinatex, Satramark, Sài Gòn, Big C, Lotte… thịt bò Úc đóng vai trò chủ đạo dần thay thế thịt bò nội địa. Giá bò Úc phi lê hơn 300.000 đồng/kg, nạc đùi 250.000 đồng/kg, bắp bò 225.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt bò nội hiện cũng vào khoảng 170.000 - 290.000 đồng/kg. Vì thế, sự lựa chọn của người tiêu dùng với các loại thịt bò nhập khẩu không quá chênh lệch. Thậm chí nhiều quán phở bò hiện nay đã chuyển sang bán phở bò Úc với giá ngang bằng bò truyền thống.

"Bò Việt không thể nào cạnh tranh nổi về giá cả, chất lượng với bò Úc và bò các nước khác. Nếu cứ tiếp tục như vậy, cái chết của bò nội là điều có thể thấy trước" Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai

Tội gì người dân không chọn

Anh Nguyễn Hữu Trí, chuyên gia trong ngành thực phẩm, nhận định: “Thịt bò Úc có giá ngang bằng bò Việt Nam (thực chất là bò nhập từ Campuchia, Lào, Thái Lan) thì tội gì người dân không ăn bò Úc. Bò nội địa là loại bò "cỏ", có trọng lượng nhỏ, thịt không thơm ngon bằng bò Úc, vả lại các cơ sở giết mổ hiện nay hầu như đều bơm nước bẩn vào bò Việt Nam nên không đảm bảo vệ sinh. Do đó, thịt bò Úc tràn về thay thế dần nguồn thịt bò khác là điều dễ hiểu”.

Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty Vissan - cho biết: “Hơn một năm nay, Vissan chỉ nhập bò Úc sống về giết mổ, số lượng mỗi ngày hơn 50 con. Thực tế nhu cầu còn nhiều hơn như vậy nhưng nguồn cung từ Úc cũng hạn chế nên chưa thể tăng mạnh hơn”. Mặc dù vậy, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2014, cả nước nhập khẩu hơn 208.700 con trâu bò sống, tăng đến 66,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra còn nhập 559 tấn thịt bò không xương, 24.246 tấn thịt bò có xương. Hiện tại bò Úc chiếm đến 70% thị phần tiêu thụ thịt bò tại Việt Nam.

Nhiều chuyên gia về chăn nuôi lo ngại, sắp tới đây khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với mức thuế suất chỉ còn 0%, ngành chăn nuôi Việt Nam càng lép vế và nông dân có thể sẽ bỏ chăn nuôi trâu bò. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nhận định: “Không phải các doanh nghiệp trong nước không thấy được tiềm năng to lớn của con bò thịt. Nhưng với những đặc thù tự nhiên và chính sách của Việt Nam không thể chăn nuôi lớn theo quy mô công nghiệp như Úc và các nước khác có đồng cỏ rộng lớn. Bò Việt không thể nào cạnh tranh nổi về giá cả, chất lượng với bò Úc và bò các nước khác. Nếu cứ tiếp tục như vậy, cái chết của bò nội là điều có thể thấy trước”.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng: “Nhập khẩu thịt bò từ nước ngoài là hệ quả tất yếu do nguồn cung trong nước thấp hơn nhiều so với nhu cầu và Việt Nam chưa có chính sách tốt thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò thịt. Trong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Bộ NN-PTNT đã xác định sẽ đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt để tăng giá trị trong nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu chúng ta không bắt đầu thay đổi từ quy trình, quy mô và tính cạnh tranh về giá thành, giá cả… thì thịt bò nội không thể thắng được thịt nhập ngoại”.

Quang Thuần/ Báo Thanh Niên

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: