» » Hỗ trợ sản xuất gạo đang lợi cho ai?

Sản xuất lúa gạo từ trước tới nay vẫn được Nhà nước quan tâm, dành nhiều khoản hỗ trợ trong mọi khía cạnh như đất đai, thủy lợi, cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, nông dân có thực sự được thụ hưởng những trợ cấp đó? TS. Nguyễn Đức Thành- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh những vấn đề này.

ông Nguyễn Đức Thành

Có ý kiến cho rằng, trợ cấp trong sản xuất lúa gạo hiện nay không đem lại lợi ích cho nông dân lẫn người tiêu dùng trong nước vì giá XK gạo còn thấp hơn cả giá nội địa. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đúng là sản xuất lúa gạo hiện nay được trợ cấp nhiều, song cả nông dân lẫn người tiêu dùng dường như đều nằm ngoài vòng hưởng lợi từ những trợ cấp đó.

Với thực tế hiện nay nước ta đang XK một lượng gạo lớn thì vô hình trung, trợ cấp này lại dành cho người tiêu dùng nước ngoài. Ví dụ như khi Nhà nước hỗ trợ về thuế cho hệ thống thủy lợi, đường sá… trong sản xuất lúa gạo thì khi XK, các khoản hỗ trợ này không được đưa vào giá thành, không thể thu lại. Còn nếu gạo tiêu dùng ở thị trường nội địa thì phần hỗ trợ này được trả lại cho người đóng thuế.

Bên cạnh đó, cách trợ cấp như hiện tại sẽ khiến ngành lúa gạo Việt Nam có xu hướng sản xuất thừa nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp, từ đó không xây dựng được thương hiệu và phải chấp nhận XK với giá thấp.

Ông có cho rằng, đã đến lúc phải nghiêm túc xem xét lại cách thức trợ cấp trong sản xuất lúa gạo hiện nay?

- Theo tôi, cần phải thay đổi lại cách trợ cấp và đánh thuế, phí lên hoạt động sản xuất lúa gạo. Đơn cử như, trong giai đoạn đầu, chúng ta có thể tính trợ cấp theo diện tích đất trồng lúa vì nhóm này được coi là làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia nhưng giao trợ cấp cho chính quyền địa phương để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ xã hội thiết yếu. Ngoài ra, Nhà nước cũng phải xem xét thật cẩn trọng, nếu cần có chiến lược điều chỉnh giảm trợ cấp cho sản phẩm XK thì nên bắt đầu từ đâu, đặc biệt phải chú ý tới vai trò, lợi ích, thiệt hại của người nông dân trong quá trình này để cân đối cho phù hợp.

Trong bối cảnh XK gạo nhiều mà giá trị còn khiêm tốn như hiện nay, liệu Việt Nam có nên chuyển hướng thay vì chỉ tập trung đẩy mạnh XK, thưa ông?

- Hiện nay, ở Việt Nam, tư tưởng coi XK lớn như một thành tích vẫn ngự trị. Trong khi đó, xu hướng thị trường lúa gạo thế giới là cung đang vượt cầu, do ngày càng có nhiều giống lúa năng suất cao được đưa vào sản xuất. Dự báo, thị trường sẽ bão hòa, giá cả XK rất cạnh tranh. Nhiều nước trên thế giới không đặt XK lúa gạo là mũi nhọn kinh tế mà chỉ cố gắng để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, bởi đây là lĩnh vực phải đối mặt với nhiều rủi ro về cả giá cả lẫn thị trường. Theo tôi, Việt Nam cũng nên phát triển như vậy.

Tôi cho rằng, trong khi XK gạo chỉ nhiều về sản lượng và giá trị gia tăng thấp như bao lâu nay, lúa gạo Việt Nam nên hướng về thị trường nội địa, vốn chiếm 80% sản lượng lúa gạo của Việt Nam và 30-40% sản lượng lúa gạo của ĐBSCL; xây dựng thị trường với các thương hiệu gạo khác nhau, phục vụ chính người Việt Nam. Đồng thời, cũng cần thay đổi cấu trúc quản lý hành chính phù hợp với phương hướng dịch chuyển của cấu trúc thị trường, trong đó DN tư nhân và người nông dân sản xuất quy mô lớn sẽ chiếm ưu thế trong tương lai.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Uyển Như/ Báo Hải Quan (ghi)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: