Trung bình hàng năm sử dụng từ 200.000 - 250.000 tấn phân bón các loại, Thanh Hóa là một thị trường lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, đồng thời cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho phân bón giả, kém chất lượng.
QLTT tăng cường kiểm tra mặt hàng phân bón
Thanh Hóa hiện có 16 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp và hơn 1.000 đại lý, cửa hàng buôn bán phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu. Tuy nhiên, do lượng phân bón “chính hãng” chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân do diện tích gieo trồng hàng năm của địa phương đạt trên 450.000 ha, sử dụng từ 200.000 - 250.000 tấn phân bón các loại, nên không ít các loại phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn “đất sống” trên thị trường.
Ông Hoàng Văn Trường- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thanh Hóa- cho biết: Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đoàn liên ngành kiểm tra, rà soát hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón. Trong năm 2013, Chi cục QLTT đã kiểm tra 233 cơ sở, xử lý 145 cơ sở, trong đó 1 cơ sở vi phạm về kinh doanh phân bón giả, 4 cơ sở vi phạm về chất lượng, 63 cơ sở vi phạm về nhãn hàng hóa... Trong năm 2014, đợt kiểm tra gần đây nhất, Chi cục QLTT đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra 55 đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón, phát hiện 1 đơn vị kinh doanh phân bón giả, 3 đơn vị vi phạm chất lượng, 37 đơn vị vi phạm về nhãn hàng hóa... Tuy nhiên, đây mới là phần nổi, bởi số lượng phân bón giả đang trôi nổi trên thị trường còn lớn gấp nhiều lần, có mặt ở hầu khắp các huyện, thị trong tỉnh.
Thời gian tới, QLTT Thanh Hóa sẽ tiếp tục kiểm tra hoạt động kinh doanh phân bón trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để kịp thời đưa kết quả kiểm tra xử lý vi phạm, thông tin cụ thể các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón giả để cảnh báo cho nông dân.
Các loại phân bón giả, kém chất lượng thường có mẫu mã bao bì khá giống với một số thương hiệu phân bón nổi tiếng, dễ gây nhầm lẫn cho nông dân. Bà Nguyễn Thị Tơn (xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa) cho hay: “Gia đình bà mua phân NPK để bón cho lúa, nhưng bón xong thì thấy lúa không phát triển. Khi gia đình đem bón loại phân đó cho cây trồng khác thì thấy không hòa tan được và bị vón cục. Lúc này bà mới biết đã mua phải phân bón gia”.
Bà Tơn chỉ là một trong nhiều nông dân mua phải phân bón giả. Mặc dù chưa có số liệu chính thức về lượng phân bón giả, nhưng nhiều nông dân ở các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Đông Sơn, Cẩm Thủy, Bá Thước, Thiệu Hóa... cũng phản ánh đã mua phải phân bón giả, bị thiệt hại không nhỏ.
Ông Nguyễn Hồng Phong- Tổng giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa)- kiến nghị: Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng phân bón, bảo đảm các cơ sở sản xuất phân bón phải có đủ các điều kiện theo đúng quy định của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, giải pháp hữu hiệu nhất là Hội nông dân các huyện phải là “cầu nối” giữa người dân và doanh nghiệp trong việc ký hợp đồng cung ứng phân bón. Việc các công ty sản xuất phân bón ký hợp đồng, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm chính là sự khẳng định về chất lượng phân bón cung cấp ra thị trường.
Quang Nguyễn/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: