Nửa đầu năm 2014, ngành Chăn nuôi của Việt Nam đã phục hồi và tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước 3%. Tuy nhiên, bước tiến nhẹ đó được đánh giá khá chông chênh, thiếu bền vững. Quan trọng hơn, Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, vốn được kỳ vọng sẽ tạo ra sự “lột xác” mới cho ngành, đến nay vẫn chưa phát huy tác dụng. Mọi việc vẫn đang ì ạch ở bước khởi động ban đầu.
Mặc dù sản lượng chăn nuôi tăng nhưng thời gian qua Việt Nam vẫn NK ngày càng nhiều từ giống gia súc, gia cầm cho tới các loại thịt thành phẩm. Ảnh: S.T
Năm 2015, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu, giá trị sản xuất toàn ngành tăng từ 5 - 5,6% so với năm 2014. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp (ngành hẹp) duy trì ở mức 31,5 - 32%. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt gần 4,96 triệu tấn, tăng 3,9%; sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,4 triệu tấn, tăng 2,4% so với năm 2014; sản lượng trứng là 9,05 quả, tăng 12,4%; sản lượng sữa 589,6 ngàn tấn, tăng 11,8%; sản lượng thịt gia cầm đạt 871 ngàn tấn, tăng gần 10%; sản lượng mật ong là 30 ngàn tấn, tăng 6,5%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt 15,62 triệu tấn, tăng 7,7% so với năm 2014.
“Dựa dẫm” vào NK
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Trong những tháng đầu năm 2014, nhiều khó khăn về thị trường và dịch bệnh bủa vây ngành chăn nuôi đã làm việc tái đàn chậm lại. Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi đang được khôi phục và phát triển nhanh, đạt mức tăng trưởng cao hơn 3% so với 6 tháng đầu năm 2013. Nếu duy trì được tốc độ này, chăn nuôi năm nay sẽ đạt tăng trưởng trên 5% so với năm 2013. Hiện sản lượng thịt lợn hơi đạt 1,9 triệu tấn, tăng 1,7%; sản lượng thịt trâu bò hơi 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ cùng kỳ năm trước; thịt gia cầm đạt 442.800 tấn, tăng 0,6%; trứng gia cầm đạt 4,5 tỷ quả, tăng 5,5%; sản lượng sữa bò đạt 265,4 triệu tấn, tăng 19,2%.
Đưa ra cái nhìn lạc quan là thế nhưng vị lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng thừa nhận, chăn nuôi vẫn chưa bền vững, giá trị gia tăng thấp, công tác quản lý còn nhiều thiếu sót, bất cập. Đặc biệt, việc áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi còn chậm. Đầu tư cho lĩnh vực này thấp, chưa thu hút được các DN và nhà đầu tư. Lực lượng cán bộ làm công tác chăn nuôi còn thiếu và yếu, luôn tiềm ẩn những yếu tố như phát sinh dịch bệnh, môi trường đã làm giảm sự cạnh tranh của ngành.
Nhìn vào bức tranh toàn ngành chăn nuôi từ đầu năm tới nay, dễ thấy vấn đề nổi bật nhất là sự kém tự chủ của chăn nuôi trong nước, dựa dẫm vào NK. Mặc dù sản lượng chăn nuôi tăng nhưng thời gian qua Việt Nam vẫn NK ngày càng nhiều từ giống gia súc, gia cầm cho tới các loại thịt thành phẩm. Thậm chí, NK nguyên liệu thức ăn chăn nuôi còn được đánh giá tăng đột biến.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã NK 1.656 con giống lợn, tăng 1,7 lần về giá trị và 1,9 lần về khối lượng so với cùng kỳ năm 2013. Trong thời gian trên, tổng lượng NK thịt lợn, thịt gà đều tăng, với các mức tăng tương ứng là 9,4% và 22,2%. Lượng trâu, bò thịt sống NK trong giai đoạn này cũng tăng 11,6%. Trong đó, đàn bò thịt thương phẩm chiếm 88,9%, chủ yếu nhập từ Úc. Đã nhiều năm liên tiếp, Việt Nam bỏ tiền tỷ để NK nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi NK là 5,9 triệu tấn với tổng giá trị 2,42 tỷ USD, tăng 55% về khối lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Một số chuyên gia đánh giá rằng, cứ đà gia tăng NK, nhất là NK thịt gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như hiện nay, chưa cần “sóng lớn” từ Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) ồ ạt tràn vào, ngành chăn nuôi trong nước cũng đã khó chống đỡ nổi mà sẽ thua trên “sân nhà”.
Ỳ ạch tái cơ cấu
Được rục rịch từ khá lâu và chính thức phê duyệt đầu tháng 5 vừa qua, Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được kỳ vọng sẽ giúp ngành chăn nuôi dần tháo gỡ những yếu kém nội tại để tăng sức cạnh tranh khi ngày càng hội nhập sâu hơn. Tuy nhiên, đến nay, theo báo cáo của 40/63 Sở NN&PTNT, mới có 17/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Đề án (hoặc kế hoạch hành động) tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi; 4/63 tỉnh đang xây dựng kế hoạch hành động; 3/63 tỉnh đang rà soát lại quy hoạch chăn nuôi tại địa phương theo tái cơ cấu; 16/63 tỉnh đang xây dựng dự thảo đề án tái cơ cấu nông nghiệp và chăn nuôi. Các tỉnh còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng đề án tái cơ chăn nuôi. Chỉ có một số địa phương đã triển khai tái cơ cấu chăn nuôi trong thực tiễn như Quảng Bình, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Ninh, Thái Bình...
Ông Hoàng Thanh Vân thừa nhận: Nhiều địa phương còn lúng túng trong xây dựng tái cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn quản lý. Điều này được thể hiện ở chỗ mục tiêu đề ra còn chung chung, chưa xác định thật rõ đối tượng vật nuôi chính; chưa xác định rõ vùng chăn nuôi chủ lực, vẫn còn nhiều nội dung dàn đều cho các vùng làm ảnh hưởng đến việc xây dựng giải pháp. Nhiều địa phương cũng chưa xây dựng được các đề án cụ thể để giải quyết từng nội dung tái cơ cấu. Ngoài ra, vấn đề thị trường, tiêu thụ, chế biến, giết mổ chưa được nêu bật trong nội dung của tái cơ cấu. Đây là vấn đề khó và cũng là nội dung quan trọng cần quan tâm giải quyết.
Đổi thay cách tiếp cận
Phát biểu tại Hội nghị “Triển khai công tác Chăn nuôi-Thú y toàn quốc” mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, để từng bước tự gỡ khó ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng, cần thay đổi cách thức tiếp cận. Một thời gian dài, chúng ta cố gắng tăng sản lượng để mong bán được nhiều hơn, từ đó nâng cao thu nhập của nông dân. Tuy nhiên thực tế thì ngược lại. Quốc hội năm nào cũng chất vấn Bộ trưởng tại sao mọi sản phẩm đều tăng mà nông dân vẫn nghèo? Do đó, toàn ngành cần thay đổi cách nhìn nhận từ xu hướng tăng “chất” để tăng thu nhập cho người dân thay vì chạy theo tăng năng suất.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, sắp tới thị trường trong nước mở cửa, sản phẩm chăn nuôi giá rẻ từ nhiều nước sẽ tràn vào. Hàng rào bảo hộ sẽ bị tháo và thông với thị trường thế giới, giá trong nước sẽ dao động theo giá thế giới. Bởi vậy, ngành chăn nuôi phải bắt đầu từ thị trường nhưng không phải là thị trường trong nước mà là thị trường quốc tế. Nhìn nhận tình hình, giá cả từ thị trường quốc tế để vạch ra giải pháp không chỉ ổn định chăn nuôi trong nước mà còn hướng tới XK.
Để hỗ trợ ngành chăn nuôi cũng như đẩy mạnh tái cơ cấu, Cục Chăn nuôi kiến nghị trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2014-2020”. Đồng thời, có chính sách thúc đẩy, hỗ trợ DN, người chăn nuôi đầu tư phát triển chăn nuôi. Bộ NN&PTNT tăng cường chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các Sở NN&PTNT thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu; cân đối, bố trí đủ nguồn ngân sách để triển khai các nội dung trong kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi, tăng cường cho công tác thông tin, tuyên truyền, xúc tiến thương mại.
Ông Hoàng Thanh Vân nhấn mạnh: Các địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động tái cơ cấu phù hợp với đặc thù của địa phương; đẩy mạnh công tác giống vật nuôi trên đại bàn tỉnh; cụ thể hóa các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi của Trung ương và địa phương; sớm xây dựng các dự án cụ thể phục vụ các nội dung tái cơ cấu ngành chăn nuôi...
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Kiểm soát tốt sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu
Về những giải pháp trước mắt, trong khi chưa kỳ vọng sẽ tháo gỡ được vấn đề thị trường thì chăn nuôi sẽ phải tập trung để giữ vững thị phần trong nước. Điều này có thể đạt được thông qua việc kiểm soát tốt sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, quyết liệt kiểm soát chất lượng giống, chất lượng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, không để người dân mua phải sản phẩm kém chất lượng nhưng giá lại cao.
Ở tầm xa hơn, trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán các hiệp định tự do thương mại, các sản phẩm chăn nuôi nước ngoài sẽ ập vào trong thời gian tới. Muốn phát triển được, chúng ta phải tìm mọi cách để hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Đơn cử đối với nhiều mặt hàng như trứng, thịt gia cầm, thịt lợn... hiện đã cơ bản bão hòa nội địa thì có thể tìm lối để thúc đẩy XK.
Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam: Chăn nuôi trong nước khó cạnh tranh với thịt NK
Các loại thịt NK, đặc biệt là thịt bò Úc hiện đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Điều này đã và đang gây ảnh hưởng lớn tới chăn nuôi trong nước. Hiện trong khẩu phần ăn của người Việt, thịt trâu bò chỉ mới chiếm có 6% trong khi con số trung bình của thế giới là 23%. Thịt bò NK được ưa chuộng bởi giá cả hợp lý, lại được giám sát kỹ về chất lượng, độ an toàn vệ sinh thực phẩm, hơn hẳn bò trong nước. Do không có lợi thế về chăn nuôi đại gia súc nên mỗi năm Việt Nam chỉ sản xuất khoảng 370.000 tấn thịt trâu bò hơi, không đủ cho tiêu dùng trong nước nên phải NK thêm. Nhìn nhận khách quan có thể khẳng định rằng, về thịt bò, Việt Nam khó cạnh tranh nổi bởi không có những đồng cỏ lớn để chăn nuôi.
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Sai lầm lớn nếu buông đại gia súc
Chăn nuôi những năm qua không phải là hoàn toàn thất bại khi hầu hết các sản phẩm chăn nuôi chủ lực vẫn đang đứng vững. Tuy nhiên, trong Đề án tái cơ cấu thì chăn nuôi đại gia súc gần như đã bị gạt ra rìa. Nếu phát triển theo định hướng đó sẽ là sai lầm lớn. Thực tế, NK đại gia súc hiện nay cũng đã khá nhiều rồi, nhất là bò Úc. Khi TPP ký kết thì việc NK này càng gây áp lực lớn lên chăn nuôi trong nước. Nhưng nếu vì sợ sự cạnh tranh mà buông bỏ ngay từ đầu thì sự thiệt hại trong tương lai khó mà đong đếm nổi. Vấn đề mấu chốt là, ngành chăn nuôi trong nước cần làm tốt khâu chọn giống để đảm bảo chất lượng và năng suất, như vậy mới mong cạnh tranh nổi với thịt NK.
TS. Hoàng Khắc Lịch - ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội: Tăng cường kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm
Thị trường bán lẻ có vai trò phân phối, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu đối với khách hàng. Chỉ có các sản phẩm thực sự đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn với người sử dụng mới có thể giữ được niềm tin khách hàng, đảm bảo sự phát triển bền vững cho cả người nông dân và hệ thống siêu thị. Do đó, việc tăng cường kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là cần thiết. Cần có các quy định rõ ràng, xây dựng các tiêu chuẩn để ràng buộc người cung cấp và tạo niềm tin cho người mua. Đồng thời cũng có các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, xuất xứ… của sản phẩm trong các siêu thị để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần đưa thêm những quy định về hoạt động tiếp thị, quảng cáo, tránh hiểu lầm cho người tiêu dùng. Đức Quang (ghi)
Thanh Nguyễn/ Báo Hải Quan
Không có nhận xét nào: