Đầu tư tốn kém, chất lượng sạch hơn nhưng giá gà VietGAP bán ra thị trường chỉ bằng hoặc thấp hơn gà chợ và chưa có 'cửa' vào siêu thị.
Gà VietGAP có nhân viên chăm sóc, ghi nhật ký
Tổ hợp tác chăn nuôi gà Mười Tín ở thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam được thành lập bởi 6 hộ gia đình. Hiện tổ hợp tác có gần 30 chuồng gà, mỗi chuồng khoảng 1.000 con, mỗi lứa bán ra 10.000 - 40.000 con. Đây là trại gà được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 chứng nhận Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).
Khu vực nuôi gà của tổ hợp tác rộng khoảng 10 ha, cách xa khu dân cư vài trăm mét. Trong 3 năm, ông Bùi Việt Tín, tổ trưởng tổ hợp tác cùng các thành viên đã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng để xây dựng trại gà này.
"Gà ở đây là gà sạch theo tiêu chuẩn quốc gia. Để chăn nuôi theo đúng quy trình, chúng tôi được hướng dẫn tập huấn 7 ngày theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp. Nếu làm chuẩn như cán bộ hướng dẫn, lúc kiểm tra đạt yêu cầu trên 90% thì mới được chứng nhận VietGAP".
Ông Tín cho biết, nói thì đơn giản thế nhưng để có được chứng nhận này, toàn bộ việc chăn nuôi gà của tổ hợp tác phải tuân thủ theo các quy trình, tiêu chuẩn cực kỳ chặt chẽ, từ con giống, thức ăn đến vệ sinh phòng dịch bệnh, xử lý chất thải.
"Con giống chúng tôi phải lấy từ Bình Định, có kiểm dịch xác nhận gà không bị bệnh, có hợp đồng giữa ba bên (bên cung cấp giống, đơn vị nuôi và đơn vị kiểm tra) để khi xảy ra sự cố thì có hướng xử lý kịp thời và quy rõ trách nhiệm.
Hay như thức ăn cho gà phải là của công ty có giấy chứng nhận, đóng dấu đỏ của Nhà nước không chứa chất phụ gia có thể gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng".
Ông Bùi Việt Tín với trang trại nuôi gà VietGAP. Ảnh: Nông nghiệp
Trong quá trình nuôi, đàn gà được theo dõi hàng ngày, có sổ nhật ký ghi lại những triệu chứng cụ thể, qua đó tiến hành báo cáo để có cách xử lý. Hiện tổ hợp tác thuê 12 nhân công với mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng để chăm sóc, xử ý vệ sinh và ghi chép nhật ký cho gà.
Quy trình chăm sóc hoàn toàn tuân thủ theo quy trình VietGAP tuy nhiên, khi hiện tổ hợp tác chăn nuôi gà Mười Tín chưa có lò giết mổ tập trung. Khi xuất bán, tổ hợp tác không thực hiện khâu giết mổ, đóng gói hay có dấu kiểm dịch thú y, thay vào đó là bán gà sống cho các thương lái.
Gà VietGap 45.000 đồng/kg, chưa có 'cửa' vào siêu thị
Đầu vào tốn kém như vậy nhưng khách hàng chủ yếu của tổ hợp tác gà Mười Tín vẫn là thương lái ở Quảng Nam, Đà Nẵng nên giá lúc lên lúc xuống, không ổn định và cũng chỉ ngang bằng, thậm chí thua giá gà thường ở chợ.
"Vào tháng 7, giá gà ở mức 70.000 - 80.000 đồng/kg, mỗi con bán được lời khoảng 5.000 đồng, tính ra cũng được 20 triệu đồng/lứa, thậm chí có lúc giá lên tới 90 - 95.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, có thời điểm giá gà tụt xuống chỉ còn 45.000 đồng/kg. Đó là vào năm ngoái khi có thông tin dịch cúm A/H5N1 khiến bà con chả ai dám ăn gà. Thương lái khi ấy ép giá, chúng tôi phải bán đổ bán tháo, lỗ hơn 200 triệu".
Ông Tín thừa nhận, hiện thị trường chưa phân biệt được gà VietGAP với gà thường, ngay cả bản thân ông cũng chịu.
"Không có gì để phân biệt gà VietGAP với gà thường, có chăng là khi ăn mới biết chất lượng thế nào. Còn thực tế, màu lông hay các thứ khác không tài nào phân biệt được. Tất nhiên khi đã có thương hiệu thì chúng tôi phải có trách nhiệm giữ lấy uy tín, bảo vệ sản phẩm. Nhưng khi thương lái mua rồi, họ có trộn gà khác vào chúng tôi cũng chịu chết".
Giá bán thua cả giá gà chợ, gà VietGAP của tổ hợp tác Mười Tín cũng chưa có cửa vào siêu thị.
"Đầu năm Phòng Kinh tế TP Tam Kỳ có làm trung gian kết nối tổ hợp tác với siêu thị Co.opmart Tam Kỳ để cung cấp gà cho siêu thị. Co.opmart Tam Kỳ yêu cầu làm hồ sơ cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, chúng tôi đã nộp từ tháng 3, tháng 4 rồi. Nhu cầu của họ thế nào chúng tôi không rõ, nếu mỗi ngày siêu thị cần 20 con hay 100-200 con/ngày đều trong khả năng của chúng tôi hết, nhưng chúng tôi cũng ngại không dám hỏi".
Trước câu hỏi tại sao không tìm đầu ra trước khi bắt tay vào chăn nuôi, ông Tín lắc đầu: "Ai mà biết được!?".
"Khi bắt đầu chăn nuôi chúng tôi chỉ nghĩ Nhà nước tổ chức VietGAP thì chúng tôi làm theo để cho ra thương phẩm sạch. Còn chuyện vào siêu thị thế nào chúng tôi không rành, nhỡ không đáp ứng được người ta phạt thì cũng tội.
Nếu như họ quan tâm thì cần bao nhiêu tổ hợp tác cũng đáp ứng được. Nhưng họ không nói gì thì thôi, chứ bây giờ năn nỉ họ, hoặc nói họ cũng rất khó vì mình không biết", ông Tín trần tình.
Tính đến ngày 5/9/2014, theo danh sách khách hàng được cấp chứng nhận Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đăng tải trên website của Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2, tổ hợp tác chăn nuôi gà Mười Tín là nơi duy nhất ở miền Trung được Trung tâm chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực này. Dù không có "đối thủ" nhưng cửa vào siêu thị chưa mở ra với trại gà này.
Minh Thái/ Báo Đất Việt
Không có nhận xét nào: