Mới đây, một tập đoàn của Hàn Quốc phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp lập dự án (DA) san bằng khoảng 10.000ha đất, nhằm tạo ra những khu chuyên canh lúa quy mô lớn. DA này đang được dư luận rất quan tâm, bởi tạo ra hướng đi mới cho nền sản xuất lúa gạo bền vững.
Tuy nhiên, lần đầu tiên cánh đầu mẫu lớn (CĐML) được triển khai trên diện tích lớn, liệu có đem lại hiệu quả như mong muốn? Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Văn Sánh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ). Ông Sánh cho biết:
- Trước khi lập DA, phía Hàn Quốc đã nghiên cứu kỹ tiềm năng sản xuất lúa gạo của vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Họ thấy lợi thế, triển vọng sản xuất lúa gạo của chúng ta và tìm được môi trường đầu tư lý tưởng ở Đồng Tháp, bởi tỉnh này đang tiên phong thực hiện đề án “tái cơ cấu nông nghiệp”; vì thế sẽ có những cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp (DN) tham gia.
Thu hoạch lúa bằng cơ giới trên cánh đồng lớn ở Đồng Tháp.
Mô hình CĐML này sẽ xóa bỏ bờ bao, tạo ra những thửa ruộng rộng cả ngàn hécta. Liệu có xảy ra xung đột lợi ích giữa nông dân với nhau và nông dân với hợp tác xã?
- Ở ĐBSCL đa phần người dân sở hữu đất lúa dưới 1ha/hộ. Tập quán canh tác lâu nay là mỗi hộ đều có bờ bao riêng trên phần đất của mình. Vì thế trên một cánh đồng có rất nhiều bờ bao mọc lên khiến việc sản xuất bị chia nhỏ. Bây giờ nếu thực hiện CĐML này thì nhất thiết phải xóa hết các bờ bao ngăn cách, nhằm tạo ra diện tích đất lớn bằng phẳng liền nhau. Khi đó đất của các hộ sẽ được xác định bằng cách cắm mốc, còn giấy chứng nhận QSDĐ của người nào vẫn giữ nguyên như cũ.
Quá trình canh tác phải thay đổi sang thống nhất thực hiện đồng loạt như bơm nước, bón phân, phun thuốc... sẽ giảm được nhiều nhân công lao động, chi phí… nhờ áp dụng cơ giới. Chính nông dân là người được hưởng lợi đầu tiên, vì vậy sẽ không có gì xung đột. Để mọi việc được thuận lợi, thiết nghĩ cần có HTX là người đại diện cho những nông hộ đứng ra hợp đồng với DN cùng tổ chức sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ…
Nếu tới đây, nhiều tỉnh tạo ra được những CĐML như DA ở Đồng Tháp, liệu có thu hút được nhiều DN tham gia đầu tư cho cây lúa?
- Nền sản xuất lúa gạo của chúng ta đang trong xu thế hội nhập, nên nhất thiết phải mạnh dạn thay đổi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn để cạnh tranh và phát triển. Sản xuất lớn để thuận lợi trong việc cơ giới hóa, thủy lợi, giống và thị trường. Đây là 4 yếu tố vô cùng quan trọng và bức bách hiện nay. Mặt khác, trong bối cảnh hiện đại hóa nông nghiệp, hội nhập quốc tế thì việc phát triển mô hình cánh đồng lớn là phù hợp. Tôi cho rằng, không nhất thiết một DA phải là 10.000ha, mà nên chọn lựa phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, từng chỗ.
Vấn đề ở chỗ là Nhà nước quy hoạch một cách hợp lý trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng nơi, từng vùng sinh thái… Mô hình CĐML không nhất thiết ở đâu cũng làm cùng giống, cùng thời điểm…, mà từng DN sẽ có những phân khúc thị trường xuất khẩu gạo khác nhau về chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng… Một khi Nhà nước làm tốt vai trò quy hoạch, định hướng, tạo ra được những CĐML thì chắc hẳn thu hút những DN lớn trong và ngoài nước đầu tư phát triển cây lúa.
Huỳnh Trọng/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: