Ngày 16/8, thông tin chính thức từ cơ quan chức năng cho biết: Giống lúa OM4900 - giống lúa chính làm nên thương hiệu “Lúa gạo Cát Tiên” - đã bị nhiễm bệnh trên cánh đồng Đạ Tẻh và Cát Tiên. Cụ thể, hiện trên địa bàn Lâm Đồng có 866ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn; trong đó, riêng huyện Đạ Tẻh có 490ha bị nhiễm nặng. Và đặc biệt, một trong 4 giống lúa hiện đang bị nhiễm bệnh đạo ôn là giống OM4900.
Bệnh đạo ôn có thể sẽ đe dọa cánh đồng mẫu huyện Cát Tiên
“Lúa gạo Cát Tiên” là sản phẩm nông nghiệp thứ năm của tỉnh Lâm Đồng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận thương hiệu. Đầu năm 2013, UBND huyện Cát Tiên đã xây dựng và ban hành quy chế “Quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Lúa gạo Cát Tiên””.
OM4900 là giống lúa lai tạo từ một số giống lúa từ tỉnh ngoài mang về thử nghiệm trên cánh đồng “ăn” phù sa sông Đồng Nai thuộc địa bàn huyện Cát Tiên từ hơn mười năm về trước theo chủ trương “phải tìm cho bằng được giống cây trồng đặc trưng của vùng đất ăn phù sa sông Đồng Nai” của lãnh đạo huyện Cát Tiên. Chính điều kiện thổ nhưỡng của cánh đồng Cát Tiên đã quyết định đến chất lượng hạt gạo OM4900 có tính đặc trưng mà không có bất kỳ cánh đồng nào khác cũng có được. Bắt đầu từ tháng 2.2013, Cát Tiên gieo trồng được 70ha giống lúa OM4900 chuẩn để tạo sản phẩm của thương hiệu “Lúa gạo Cát Tiên”. Con số này vào cuối năm 2013 được tăng lên 150ha. Theo báo cáo của UBND huyện Cát Tiên, vài năm gần đây, diện tích lúa gieo trồng hằng năm của huyện đạt trung bình hơn 8.200ha; trong đó có khoảng 1.200ha được canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Trong diện tích ứng dụng công nghệ cao này có khoảng 50% diện tích được gieo trồng các giống lúa chất lượng cao và canh tác theo quy trình VietGAP, gồm các giống “OM”, trong đó đặc biệt là giống OM4900.
Bệnh do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Bào tử nhỏ, thường tập trung thành cụm qua khí khổng ở lá hay ở đốt thân, cổ bông. Bào tử thường phát sinh vào ban đêm. Tính gây bệnh thay đổi tùy theo giống và vùng địa lý. Bào tử có thể bay trong không khí và theo gió lây lan khắp nơi.
Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng bằng cách thu gom, dọn sạch tàn dư rơm rạ và cỏ dại mang mầm bệnh. Gieo cấy các giống kháng hoặc chống chịu với bệnh đạo ôn trong vùng (một số giống lúa được đánh giá nhiễm nhẹ hơn như OM6976, OM8232, OM6932...). Và, đặc biệt là sử dụng thuốc theo đúng khuyến cáo. (Theo tài liệu của Chi cục BVTV Lâm Đồng)
Theo tài liệu của cơ quan chuyên môn, bệnh đạo ôn gây hại ở hầu hết các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa; bệnh xảy ra quanh năm và thường gây hại nặng ở vụ đông xuân. Số liệu thống kê của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho thấy, hiện trong toàn vùng phía Nam có khoảng 45.600ha lúa bị bệnh đạo ôn tàn phá. Trong diện tích này, tỉnh Lâm Đồng “góp” 866ha. Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, trên đồng lúa của tỉnh miền núi Lâm Đồng, bệnh đạo ôn đã xuất hiện từ lâu và khá phổ biến. Song, với riêng hai cánh đồng mẫu lớn và với riêng các giống lúa OM (đặc biệt là giống OM4900) của hai huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh, nhờ áp dụng biện pháp canh tác theo chương trình VietGAP nên bệnh đạo ôn tuy có xuất hiện nhưng rất không đáng kể. Theo đánh giá của phòng chuyên môn huyện Cát Tiên, năm 2013 vừa qua, 560 tấn lúa giống và 2.000 tấn gạo hàng hóa mang nhãn hiệu “Lúa gạo Cát Tiên” được xuất ra thị trường trong nước được đánh giá là đạt các tiêu chuẩn theo quy định. Nhưng, bước sang năm 2014, tình hình có vẻ không được sáng sủa khi cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng thông báo cả tỉnh có 866ha lúa bị bệnh đạo ôn, trong đó có 490ha bị nhiễm nặng tại huyện Đạ Tẻh, và đặc biệt là bệnh đã nhiễm trên các giống lúa OM4900, OM6162, OM7347... của huyện này. Thêm vào đó, cùng với bệnh đạo ôn, trên cánh đồng huyện Đạ Tẻh còn có mối quan tâm khác được thể hiện trong báo cáo tháng 7 vừa qua của huyện này là: “Riêng cây lúa do thời tiết không thuận lợi nên đã tạo điều kiện cho một số loại sâu bệnh phát triển như: bệnh đạo ôn, rầy nâu, vàng lá sinh lý... gây hại trên 814ha...”.
Việc bệnh đạo ôn xuất hiện trên đồng ruộng là chuyện không mới, nhưng việc loại bệnh này xuất hiện và gây hại nặng trên đồng lúa của hai huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên và trên các giống lúa “OM”, đặc biệt là giống OM4900 làm nên thương hiệu “Lúa gạo Cát Tiên”, thực sự không còn là chuyện nhỏ!
Khắc Dũng/ Báo Lâm Đồng
Không có nhận xét nào: