Do làm ăn manh mún, chỉ biết chạy theo lợi nhuận nên khi giá heo tăng cao, không ít doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi lại lén lút tuồn chất cấm ra thị trường, tiếp tay cho người chăn nuôi bất chính.
Lạm dụng chất cấm
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2012 đến 2013, tình trạng chất cấm có phần lắng xuống do giá thịt heo giảm. Tuy nhiên gần một năm nay, giá thịt heo liên tục tăng cao, chăn nuôi bắt đầu có lãi thì vấn nạn lạm dụng chất cấm để làm tăng trọng đàn heo lại quay trở lại. Mới đây, khi tổ chức thanh tra chất lượng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn, Sở NN-PTNT Thanh Hóa phát hiện lô hàng 8 tấn thức ăn chăn nuôi hỗn hợp cho heo thịt nghi chứa chất cấm được một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở xã Trưng Trắc (Văn Lâm-Hưng Yên) đưa vào Thanh Hóa tiêu thụ. Sau khi gửi mẫu phân tích, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa khẳng định lô hàng dương tính với chất cấm Salbutamol (chất tạo nạc và tăng trọng cho gia súc).
Khi heo được giá, các cơ quan chức năng phải đối mặt nỗi lo chất cấm trong thức ăn gia súc. Ảnh: Khắc Hào
Mở rộng lấy mẫu phân tích, cơ quan chức năng Thanh Hóa tiếp tục phát hiện một lô thức ăn chăn nuôi khác của doanh nghiệp này cũng chứa chất cấm tương tự. Hiện Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đang đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt đối với doanh nghiệp vi phạm ở mức kịch khung là 70 triệu đồng. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, vụ việc vi phạm của doanh nghiệp ở Hưng Yên cần phải xử lý nghiêm minh để ngăn chặn các doanh nghiệp khác kinh doanh chất cấm.
Các chất cấm thuộc nhóm Beta Agonist được sử dụng trong chăn nuôi có thể làm người tiêu dùng ngộ độc, để lại biến chứng lâu dài đã được Bộ NN-PTNT khuyến cáo và kiểm soát chặt từ năm 2012 sau khi rộ lên làm dư luận lo lắng, bức xúc. Điều người dân không yên tâm là chất cấm có thể tái xuất hiện bất cứ lúc nào nếu vai trò quản lý của cơ quan chức năng lỏng lẻo, trong khi người dân cũng chỉ biết trông đợi vào nỗ lực của các cơ quan liên quan.
Mới đây trao đổi với báo giới sau khi tái xuất tình trạng trên, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, từ năm 2012 sau khi rộ lên tình trạng chất cấm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo rất quyết liệt việc thanh tra, kiểm soát để ngăn chặn và xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như nhập khẩu. Sau đó, đã có một số doanh nghiệp bị xử lý nghiêm, thậm chí bị đề nghị truy tố. Ông Dương cho biết, theo điều tra của ngành chăn nuôi thì các chất cấm mà doanh nghiệp bán cho bà con nông dân chủ yếu thuộc nhóm Beta Agonist, được trộn lẫn vào thức ăn chăn nuôi để vỗ béo, tăng tỷ lệ nạc cho heo. Khi đưa ra thị trường, các doanh nghiệp cũng quảng cáo khoa trương đây là những sản phẩm giúp heo tăng trưởng nhanh và nở mông, giúp tăng trọng.
Xử lý nghiêm
Sau khi phát hiện lô chất cấm tại tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Chăn nuôi tiếp tục thanh tra, rà soát tại 63 tỉnh và thành phố để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định, mới đây cục đã quyết định chọn 6 địa phương trọng điểm và có nguy cơ tái xuất chất cấm gồm Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Đồng Nai, TPHCM và Vĩnh Long để thanh tra.
“Lý do, đây là những nơi đang tập trung nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi, trong đó có nhiều nhà máy loại nhỏ lẻ và các cơ sở này thường sử dụng chất cấm để thu hút người chăn nuôi” - ông Nguyễn Xuân Dương nói.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng khẳng định, những nhà máy thức ăn chăn nuôi có công suất cỡ lớn từ 300.000 tấn/năm trở lên, đầu tư có thể mất hàng trăm tỷ đồng thì họ thường không dám mạo hiểm với chất cấm bởi nếu bị phát hiện, sẽ gần như phá sản. Thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết trong đợt ra quân sắp tới, sẽ tập trung vào các nhà máy thức ăn chăn nuôi có công suất từ 15.000 tấn/năm trở xuống.
Theo các nhà khoa học, các chất cấm thuộc nhóm Beta Agonist rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng loại thịt heo được tăng trọng bằng nhóm chất cấm này. Mặc dù nó làm cho thịt tươi đỏ, trông bắt mắt hơn nhưng sẽ tích lũy độc tố trong cơ thể và gây ngộ độc. Người bị ngộ độc chất Salbutamol - một trong nhóm ba chất cấm thuộc Beta Agonist thường bị nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, trụy mạch, gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, thậm chí có thể gây ung thư.
Văn Phúc/ Báo SGGP
Không có nhận xét nào: