Trong kỳ họp Quốc hội tới đây, Chính phủ sẽ đưa ra hai Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận, thông qua. Trong đó, có tám danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh được đề xuất và một trong những ngành nghề đó là sản xuất các sản phẩm biến đổi gen.
Thời gian qua bộ NN-PTNT đã cho trồng khảo nghiệm một số giống bắp biến đổi gen. Ảnh: Ngọc Hùng.
Trong khi đó, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN -PTNT) lại cho phép dùng bắp biến đổi gen làm thực phẩm và đang có những bước chuẩn bị cuối cùng để cho trồng đại trà. Chính điều này đã nhận được những ý kiến lo lắng hay băn khoăn của những người có liên quan đến cây trồng biến đổi gen.
Ở phía ủng hộ, theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TPHCM, nếu trong thời gian tới Việt Nam thảo luận để cấm sản xuất các sản phẩm biến đổi gen, ở một khía cạnh nào đó là đi thụt lùi so với sự tiến bộ về khoa học của thế giới.
Ông Bình cho rằng, cấm sản xuất các sản phẩm biến đổi gen, trong trường hợp này nhiều người sẽ hiểu là không được trồng cây trồng biến đổi gen, trong khi đó, mới đây Bộ NN – PTNT cấp phép cho bốn giống bắp biến đổi gen có thể làm thực phẩm (dùng để ăn).
"Theo tôi, cây trồng biến đổi gen là một tiến bộ khoa học, do đó, nếu Chính phủ cấm thì phải cấm về những vấn đề liên quan đền xã hội chứ không thể cấm một tiến bộ của khoa học. Ngoài ra, chúng ta đang cố gắng hướng đến một nền kinh tế thị trường nhưng lại muốn cấm doanh nghiệp sản xuất sản phẩm biến đổi gen thì chẳng khác nào chúng ta đang đi ngược lại xu thế chung của thế giới”, ông Bình nói lên quan điểm của mình.
Tương tự, theo ông Nguyễn Hồng Chính, Giám đốc đối ngoại, Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto) nếu thực sự Việt Nam cấm sản xuất các sản phẩm biến đổi gen, tức là không cho trồng và như vậy đang đi ngược lại với những gì mà những nhà quản lý của Việt Nam đang làm lâu nay.
Cụ thể, việc cấm này sẽ đi ngược lại tinh thần của Luật đa dạng sinh học, Nghị định về an toàn thực phẩm và Nghị định về quản lý sinh vật biến đổi gen cũng như chiến lược ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp của Việt Nam hiện nay. Còn theo đại diện phía Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, thông tin nói trên chỉ ở dạng sẽ thảo luận nên cần phải chờ xem mọi việc diễn biến như thế nào trước khi bình luận.
Ở hướng ngược lại, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, PGS- TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn, trường Đại học Cần Thơ, cho biết trên thế giới hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau về cây trồng biến đổi gen. Trường phái ủng hộ (dẫn đầu là Mỹ) cho rằng cây trồng biến đổi gen là thành tựu của tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần giải quyết vấn đề an ninh lương thực trong bối cảnh dân số thế giới tăng cao; còn trường phái phản đối (dẫn đầu là các nước EU) nói việc sử dụng thực phẩm biến đổi gen là mối nguy đối với sức khỏe con người.
Theo ông Đệ, ở Việt Nam chưa cho phép trồng đại trà cây biến đổi gen. “Nhưng thực tế thời gian qua có thể chúng ta đã nhập một lượng lớn sản phẩm biến đổi gen để chế biến thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu tương…”, ông nói.
Tuy nhiên, nêu lên quan điểm của mình, ông Đệ không đồng tình việc cho phép trồng cây biến đổi gen. “Bởi theo tôi, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản, cho nên việc sản xuất cây biến đổi gen dù chỉ để sử dụng cho chăn nuôi cũng có thể tạo ra phản ứng dây chuyền, đặc biệt là ở các nước EU- những quốc gia nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam nhưng phản đổi cây biến đổi gen”, ông Đệ cho biết.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, cho rằng cần có những nghiên cứu sâu hơn trước khi quyết định chính thức về cây trồng biến đổi gen.
Hiện bốn giống bắp biến đổi gen được cho phép làm thực phẩm nói trên bao gồm BT 11 và MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và MON 89034 và NK603 của công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto) đã được Bộ NN – PTNT chính thức phê duyệt cho phép "đủ điều kiện" sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng để được trồng đại trà thì bốn giống bắp nói trên thì phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học và môi trường.
Trong mấy năm qua, giới làm khoa học của Việt Nam đang phân chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là ủng hộ cây trồng biến đổi gen, còn nhóm thứ hai lại muốn Chính phủ "cẩn trọng hơn" với những chính sách về cây trồng biến đổi gen. Tuy vẫn còn những ý kiến lo ngại nhưng thời gian qua, Bộ NN – PTNT vẫn cho phép khảo nghiệm một số giống bắp biến đổi gen và đang cố gắng đưa giống cây này trồng đại trà trong thời gian tới.
Ngọc Hùng - Trung Chánh/ Thời báo kinh tế Sài Gòn
Không có nhận xét nào: