» » “Giải hạn” cho người nuôi cá tra

Người nuôi cá tra trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Hậu Giang nói riêng đang đối mặt với điệp khúc thua lỗ vì cá tra nguyên liệu đã giảm xuống dưới giá thành sản xuất.

Cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nguy cơ thua lỗ trực chờ

Hiện giá cá tra nguyên liệu trên địa bàn tỉnh dao động khoảng 21.000 - 21.500 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất bình quân đã vượt mốc 22.000 đồng/kg. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao mà nhiều người dân ở huyện Phụng Hiệp, Châu Thành và thị xã Ngã Bảy buộc phải chọn giải pháp an toàn là treo ao, tránh nguy cơ phá sản. Bởi càng nuôi thì càng lỗ nặng. Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy Lê Hùng Chiến, cho biết: “Năm vừa qua, diện tích thả nuôi cá tra trên địa bàn thị xã khoảng 50ha. Tuy nhiên, do giá cá tra nguyên liệu không ổn định, đầu ra lại rất khó khăn nên tính đến thời điểm hiện nay, diện tích chỉ còn lại 30ha.

Theo nhiều chủ ao ở thị xã Ngã Bảy, sở dĩ số hộ còn duy trì được với cái nghề nuôi cá tra đầy tiềm năng nhưng cũng không kém phần may rủi đến giờ này chính là nhờ họ “có ăn, có chịu”, tức là có khi lời, khi lỗ. Đặc biệt là ngoài tận dụng nguồn vốn vay ngân hàng thì người nuôi đã chủ động tìm mọi cách hạ giá thành sản xuất; cũng như tự dự báo và đánh giá nhu cầu thị trường ở từng thời điểm trong năm để tiến hành thả nuôi cho phù hợp. Ông Lê Hùng Minh, Phó Chủ nhiệm HTX nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy tính toán: “Với mức giá thấp như hiện nay thì coi như huề vốn đối với những hộ thả nuôi bằng ao, nhân công nhà, còn thuê mướn đều rơi vào tình cảnh thua lỗ”.

Chưa kể là những năm gần đây, người nuôi cá tra trong tỉnh thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ “trắng tay” vì bị thương lái xù nợ. Ông Lê Hùng Minh thừa nhận: “Do nắm được tâm lý người dân có nhu cầu nên thương lái thường hay ép giá bằng cách kỳ kèo thời gian thu mua, viện cớ về chất lượng cá dưới ao. “Phần lớn người nuôi đều chấp nhận rủi ro cân cá trước rồi lấy tiền sau 30 ngày nhằm góp phần tăng thêm lợi nhuận cho gia đình. Thực tế là giá bán theo hình thức lấy tiền mặt thấp hơn 500 - 1.000 đồng/kg, nhưng đâu phải dễ kiếm được người mua. Do đó, vừa bán xong lại phải lo đi đòi nợ. Có khi kéo dài mấy tháng mà chẳng lấy được tiền”, ông Minh than.

Kỳ vọng vào nghị định mới

Anh Huỳnh Thanh Hòa, ở ấp Mái Dầm, xã Đại Thành đang thả nuôi 2 ao cá tra, với diện tích 4.000m2 khẳng định: “Cái khó, cũng là nỗi lo lớn nhất của nghề nuôi cá tra hiện nay là đầu ra sản phẩm. Hầu như mọi người nuôi cá tra Ngã Bảy đã thấm thía tình cảnh ao cá gần đến ngày xuất bán phải chạy khắp các tỉnh, thành trong vùng để tìm doanh nghiệp thu mua”. Vì thế, sau khi được các cơ quan chuyên môn thị xã Ngã Bảy phổ biến bước đầu Nghị định 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra của Chính phủ thì gia đình anh Hòa đã quyết định đăng ký tham gia vào HTX nuôi thủy sản Đại Thắng nhằm thực hiện mục tiêu liên kết sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày nay.

Một trong những điều kiện mà Nghị định 36 bắt buộc là đến ngày 31-12-2015, cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam. Ông Lê Hùng Minh thông tin, hiện đã có 15 trong tổng số 18 xã viên HTX đã áp dụng quy trình nuôi cá tra VietGAP. Và tất cả 8ha mặt nước của HTX đều nằm trong vùng quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt. Đây là tiền đề cần thiết để HTX tiến tới xây dựng hợp đồng làm vùng nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, đảm bảo yêu cầu Nghị định 36.

Trước mắt, Nghị định 36 đang được đông đảo người nuôi cá tra Hậu Giang đón nhận nhờ những điều kiện mang tính ràng buộc hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp. Tại Hội nghị Ban chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ở thành phố Cần Thơ trong tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng: Ngành cá tra nước ta rất có lợi thế phát triển nhưng thời gian qua có thể nói là rất lận đận. Doanh nghiệp và người nuôi không có lợi nhuận, dẫn đến đe dọa sự tồn tại của con cá tra. Vì vậy, nghị định ra đời là tín hiệu tốt, một cơ sở pháp lý rất quan trọng cho việc quản lý sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu cá tra.

Nghị định 36 có hiệu lực từ ngày 20-6-2014, quy định rõ điều kiện về cơ sở nuôi cá tra thương phẩm; cơ sở chế biến cá tra; chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến; xuất khẩu sản phẩm cá tra; đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra; xử lý vi phạm trong sản xuất sản phẩm cá tra. Chẳng hạn: cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải đảm bảo các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản; các cơ sở chế biến cá tra phải nằm trong quy hoạch nuôi, chế biến cá tra đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt hoặc chấp thuận; sản phẩm cá tra chế biến phải đáp ứng quy định về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của Việt Nam và nước nhập khẩu…

Bài, ảnh: N.Nguyễn/ Báo Hậu Giang

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: