Đến thời điểm này, không ít nhà thu mua ngô hàng hóa trong tỉnh “lao đao” vì cước vận tải tăng gấp đôi, còn giá ngô thì lại giảm!
Sơ chế, bảo quản ngô hàng hóa tại gia đình bà Nguyễn Thị Nhung, xã Cò Nòi (Mai Sơn).
Dù đã có kinh nghiệm 15 năm làm nghề thu mua ngô trên địa bàn xã Cò Nòi (Mai Sơn), nhưng mấy tuần nay, bà Nguyễn Thị Nhung như ngồi trên đống lửa bởi giá ngô hàng hóa giảm. Từ tháng 10-2013, bà Nhung mua 600 tấn ngô bắp tươi trong dân với giá 4.500 đồng/kg. Cộng cả công vận chuyển thành 4.900 đồng/kg. Đến nay, đã hơn 7 tháng, giá ngô bắp tươi không những không tăng mà lại giảm xuống còn 4.400 đồng/kg. Với giá ngô như hiện nay, bà Nhung đã lỗ khoảng 300 triệu đồng, chưa kể tiền chi phí đầu tư kho chứa, xử lý mối mọt và lãi vốn vay ngân hàng suốt 7 tháng qua. Bà Nhung, cho biết: Chưa có năm nào chúng tôi phải chịu “thiệt kép” như năm nay, giá ngô thì bị giảm, còn giá cước vận tải lại tăng gấp đôi.
Đại diện đơn vị bao tiêu nông sản lớn nhất tỉnh với hơn 30.000 tấn ngô/năm, ông Nguyễn Khắc Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần lương thực Sơn La, chia sẻ: Nếu trước kia giá cước vận chuyển từ huyện Sông Mã về tới Xuân Mai (Hà Nội) chỉ 350.000 đồng/tấn, thì sau ngày thực hiện cân xe quá tải (1-4), giá cước vận tải đã tăng lên 650.000 đồng/tấn. Giá ngô hàng hóa tại Hải Phòng, trước tháng 4, thu mua giá 5.500-5.600 đồng/kg, thì đến nay đã giảm xuống còn 5.300-5.400 đồng/kg. Như vậy, 1kg ngô hiện nay, nhà đầu tư lỗ khoảng 200 đồng/kg, nếu tính cả tiền bù lỗ cước vận tải thì 1kg ngô, Công ty sẽ bị lỗ 500 đồng/kg. Hiện, Công ty vẫn còn tồn đọng gần 3.000 tấn ngô, sắn ở Sơn La và 2.000 tấn ngô, sắn ở các tỉnh Tây Nguyên chưa tiêu thụ được.
Được biết, đến thời điểm này, Nhà nước đã bãi bỏ thuế đối với mặt hàng ngô nhập khẩu từ nước ngoài và không hạn chế về khối lượng nhập khẩu như trước. Với thế mạnh về chất lượng đồng đều, không phải qua nhiều công đoạn xử lý phơi, sấy rườm rà như khi mua nguyên liệu trong nước, giá nhập cũng tương đương, thậm chí còn thấp hơn giá ngô trong nước, nên ngô nhập khẩu được các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ưa chuộng, nhập về nhiều, làm cho giá ngô trong nước giảm, không tiêu thụ được. Cùng với đó, Chính phủ cũng đang thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long 2 triệu đồng/ha, chuyển đổi đất lúa 1 vụ kém năng suất sang trồng ngô.
Bên cạnh đó, với giá cước vận tải tăng như hiện nay càng làm cho giá ngô trong tỉnh khó cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, không phải đơn vị vận tải tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”, mà trên thực tế, do “chi phí vận tải” tăng nên buộc họ phải tăng giá cước. Anh N.V.T, lái xe tải ở Nà Sản (Mai Sơn), giải thích: Trước đây, do ngành chức năng chưa làm chặt việc xử lý xe quá tải, nên chúng tôi hầu như đều chở vượt tải trọng cho phép gấp 2 đến 3 lần (50-52 tấn hàng/chuyến), vì vậy giá cước vận tải cũng hạ xuống. Với thực tế về việc kiểm soát tải trọng như hiện nay, xe của tôi chỉ chở được tối đa 17 tấn hàng, nên buộc phải tăng giá cước vận tải. Nói về thực chất thì giá cước vận chuyển của một chuyến đi là không tăng. Ví dụ: từ Sơn La về Hà Nội từ trước đến nay vẫn có giá khoảng 15 triệu đồng/chuyến, nhưng số lượng hàng chở được lại ít hơn trước 1/3 lần nên giá cước/kg là cao hơn.
Với điều kiện khó khăn như hiện nay, để ngô hàng hóa của tỉnh cạnh tranh được với ngô hàng hóa của nước ngoài, bà con nông dân cần phải đổi mới phương thức sản xuất, lựa chọn cây trồng phù hợp, đồng thời thực hiện thâm canh tăng vụ, tăng cường bón phân ủ hoai mục từ cỏ rác tận dụng trong sản xuất, hạn chế bón phân hóa học để tiết kiệm chi phí; chọn ra một số giống phù hợp địa phương để gieo trồng, đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều hơn. Đối với những hộ kinh doanh, cần đổi mới tư duy tiêu thụ hàng hóa, tăng cường cập nhật, trao đổi thông tin về cơ chế, chính sách mới của Nhà nước và chủ động nắm bắt giá cả thị trường nông sản trong nước, quốc tế, để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp.
Đình Thành/ Báo Sơn La
Không có nhận xét nào: