» » Nỗi lo cánh đồng lớn

Trong sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL, mô hình “Cánh đồng lớn” đã từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm thiếu tính đồng nhất, có sự liên kết chặt chẽ “bốn nhà” trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, đem lại nhiều hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, từng bước đưa nền nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL đi lên sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại. Qua đó, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất nông nghiệp ĐBSCL trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Ảnh minh họa

Sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng lớn” ở ĐBSCL lúc khởi đầu chỉ với 200 ha lúa hè thu (năm 2007) ở An Giang, nhưng đã cho kết quả tốt: ruộng lúa hạn chế sâu bệnh, chất lượng hạt lúa cao, đầu ra cho sản phẩm được đảm bảo, nông dân thu nhiều lợi nhuận. Từ đó, diện tích tham gia “Cánh đồng lớn” không ngừng tăng lên theo từng năm, mô hình được nhân rộng ra cả nước, với tổng diện tích hiện tại khoảng 100.000ha. Cũng từ đó, trên cả nước đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo đánh giá mô hình “Cánh đồng lớn”, xem “Cánh đồng lớn” là hình thức quan hệ sản xuất tối ưu để hiện đại hóa nông nghiệp.

Tuy nhiên, thực tiễn vừa qua ở ĐBSCL cho thấy sản xuất lúa gạo trong “Cánh đồng lớn” vẫn tồn tại nhiều bất ổn, cần nhanh chóng tháo gỡ để hoàn thiện mô hình này. Trước tiên, đó là liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn lỏng lẻo. Trong “Cánh đồng lớn”, chuyện “bẻ kèo” khi thị trường có biến động đều đã diễn ra ở cả 2 phía doanh nghiệp lẫn nông dân. Một doanh nghiệp tham gia “Cánh đồng lớn” cho biết: Trong trường hợp nông dân “bẻ kèo”, chúng tôi chỉ biết chấp nhận, không thể làm gì được bởi hiện không có quy định pháp luật để xử lý khi xảy ra tranh chấp trong hợp đồng mua bán. Doanh nghiệp đầu tư, ứng giống cho nông dân, tức đưa tiền của cho họ, mà không biết kêu ai để xử lý khi tranh chấp thì không thể an tâm làm được.

Trong khi đó, ở một số nơi, doanh nghiệp cũng “bẻ kèo” như thường. Chủ nhiệm một hợp tác xã cho biết vụ đông xuân 2013 - 2014 vừa qua, toàn bộ diện tích 1.200ha của hợp tác xã được 4 doanh nghiệp đăng ký bao tiêu sản phẩm. Doanh nghiệp cam kết mua lúa cao hơn giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, khi nông dân thu hoạch xong thì có 2 trong số 4 doanh nghiệp “bẻ kèo”, không thực hiện hợp đồng đã ký.

Không chỉ xảy ra chuyện “bẻ kèo” như trên trong “Cánh đồng lớn”, cho đến nay những tiêu chí về diện tích, hay quy định tỷ lệ gạo xuất khẩu chiếm bao nhiêu phần trăm/tổng lượng gạo được xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn chưa có sự thống nhất. Theo quy định mà Bộ NN-PTNT đề xuất, năm đầu tiên thực hiện cánh đồng lớn (từ năm 2014) lượng gạo trong hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp phải chiếm 15% lượng gạo được doanh nghiệp xuất khẩu, năm thứ hai là 30% và năm thứ ba là 50%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp “la làng” vì không tài nào đáp ứng nổi quy định này.

Khảo sát của Ban Kinh tế Trung ương mới đây cho thấy, tỷ lệ nông dân tham gia “Cánh đồng lớn” đã giảm so với vụ đông xuân vừa qua. Nguyên nhân đã rõ: Phần lớn nông hộ có diện tích sản xuất nhỏ, khi làm “Cánh đồng lớn”, doanh nghiệp phải ký hợp đồng với từng nông dân; các chủ thể doanh nghiệp tham gia “Cánh đồng lớn” thiếu đa dạng. Ngoài một số doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ thuốc trừ sâu, phân bón và doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, ít thấy vai trò của các công ty lương thực nhà nước và hợp tác xã trong “Cánh đồng lớn”!

Theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, ngay cả với mô hình “Cánh đồng lớn” được xem là tối ưu nhất hiện nay mà vẫn còn quá nhiều nỗi lo, huống hồ cả chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo: thiếu quy hoạch, thiếu chiến lược về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thiếu chiến lược sản xuất… Điều đó lý giải tại sao ở vùng sản xuất lúa gạo đầy tiềm năng như ĐBSCL mà người trồng lúa lại ngày càng nghèo đi!

Trần Minh Trường/ Báo SGGP

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: