» » » Nhiều thương nhân Trung Quốc đăng ký thu mua vải Lục Ngạn

Chỉ mới vào đầu vụ, song hoạt động mua bán vải thiều ở đây đã nhộn nhịp. Suốt dọc đường từ thị tứ Kim (xã Phượng Sơn) qua Chũ, Hồng Giang, Giáp Sơn… dòng người cùng những thùng, sọt chất đầy vải chín căng mọng đổ về các điểm mua bán.

Vải thiều Lục Ngạn là thương hiệu đã nổi tiếng. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Nhộn nhịp

Với diện tích 18.000 ha trồng cây vải thiều, trong đó có 8.500 ha trồng theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) được mệnh danh là “vương quốc” vải thiều. Mặc dù năm nay thời tiết không thuận lợi cho việc ra hoa, kết trái, song sản lượng vải thiều ước vẫn đạt 90.000 tấn quả tươi và dự kiến hơn 40% trong số này được xuất khẩu sang Trung Quốc. Người dân nơi đây đang khấp khởi vui mừng đón mùa quả ngọt.

Chúng tôi có mặt ở huyện Lục Ngạn khi vải thiều chín sớm bắt đầu được thu hoạch. Chỉ mới vào đầu vụ, song hoạt động mua bán vải thiều ở đây đã nhộn nhịp. Suốt dọc đường từ thị tứ Kim (xã Phượng Sơn) qua Chũ, Hồng Giang, Giáp Sơn… bất chấp cái nắng hè như đổ lửa, dòng người cùng những thùng, sọt chất đầy vải chín căng mọng đổ về các điểm thu mua. Cho dù chính quyền địa phương tổ chức lực lượng tăng cường bảo đảm an ninh trật tự và cấm xe tải hạng nặng, xe contenner đỗ gần các điểm tập kết hàng nhưng tình trạng tắc đường vẫn xảy ra.

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy các điểm tập kết vải thường đặt gần nhau nên vào lúc cao điểm thường hay xảy ra cảnh chen lấn, đứng ra ngoài lòng đường để chờ đến lượt cân hàng gây ra tình trạng ách tắc giao thông. Tuyệt nhiên, không phải vì thế mà xảy ra sự đôi co, cãi vã, trái lại những người bán hàng vui vẻ tranh thủ trò chuyện với nhau. Sự hồ hởi hiện trên khuôn mặt rám nắng thấm đẫm mồ hôi của những người nông dân phần nào phản ánh được tâm trạng phấn chấn của họ khi có được một vụ mùa vải thiều sớm bội thu. Phần lớn các chủ thu mua đều có chung nhận xét, vải thiều sớm vụ này có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nên giá cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái, với mức giá dao động từ 16.000 - 25.000 đồng/kg, tùy từng loại.

Thương nhân Trần Văn Đoàn (xã Phượng Sơn) là người có kinh nghiệm 15 năm tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn ở thị trường miền Nam với khối lượng 1.000 tấn/năm. Anh Đoàn cho biết: "Nhìn chung vải thiều sớm năm nay có hình thức bắt mắt, chất lượng tốt nên được người tiêu dùng miền Nam ưa chuộng. Đến nay, việc tiêu thụ vải thiều ở thị trường này diễn ra khá thuận lợi, hy vọng sẽ tạo được sự đột biến khi vải thiều vào chính vụ".

Tạo điều kiện mở rộng thị trường

Phó chủ tịch UBND xã Phượng Sơn Thân Văn Huy cho biết: "Không chỉ có đội quân đông đảo thương nhân người Việt Nam tham gia "đánh hàng" đi tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu mà số lượng người Trung Quốc sang trực tiếp thu mua cũng tăng lên. Hiện, chỉ tính riêng ở xã Phượng Sơn có 18 người mang quốc tịch Trung Quốc đã sang đăng ký đóng chốt cân hàng. Con số này sẽ tăng lên nhiều lần khi vải thiều chính vụ bắt đầu vào cuối tháng 6 này".

Thương nhân Dương Quốc Quân, người Vân Nam (Trung Quốc) đang đặt điểm cân tại thị tứ Kim cho biết, gần chục năm nay năm nào anh cũng đóng chốt ở đây nhập hàng. Thường thì mua xong ban ngày, chập tối anh cho đóng hàng bốc lên xe chạy thẳng đi Vân Nam qua đường Hà Khẩu (Lào Cai). Năm nay hoạt động mua bán và vận chuyển vải thiều sang Trung Quốc tiêu thụ vẫn diễn ra bình thường. Theo anh, hình thức và chất lượng của vải thiều ngày càng tốt hơn nên khả năng tiêu thụ tại thị trường này cũng sẽ tăng lên.  

Tuy nhiên, vải thiều chín sớm chỉ chiếm một lượng khá khiêm tốn (12%) trong tổng số vải thiều cả vụ. Theo ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn, trên địa bàn huyện có 1.750 ha trồng các giống vải chín sớm như: u hồng, u trứng, u thâm, lai Thanh Hà, Bình Khê, Hùng Long... trong đó chủ yếu là hai giống u hồng và lai Thanh Hà, sản lượng ước đạt 7.000 tấn quả tươi và chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong nước, chỉ một số lượng nhỏ xuất khẩu. Trước những lo ngại về thị trường xuất khẩu truyền thống của mặt hàng này là Trung Quốc có thể gặp khó khăn, ngay từ tháng 5-2014 lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành chức năng nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân thu hoạch và tiêu thụ vải thiều.

Theo đó, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã tiến hành các biện pháp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tới những vùng, miền trong nước, tổ chức nhiều đoàn tiếp xúc, tìm kiếm thị trường ở khu vực cửa khẩu và phía Nam. Hơn nữa, theo ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, ngoài các đơn hàng thu mua quả vải tươi từ các thị trường truyền thống, năm nay vải thiều Lục Ngạn sẽ có các hợp đồng tiêu thụ lớn hơn từ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Campuchia... Sự nỗ lực này đã được Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh đánh giá cao, song ông cũng đề nghị tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các thương nhân, doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều về nguồn vốn, điện, hạn chế tối đa việc ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự trong thời gian thu hoạch vải; quản lý tốt thị trường và các đối tượng thương lái, thu mua theo quy định của pháp luật, tránh để xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, ép giá. Cùng với đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong chế biến và tiêu thụ vải thiều.

Mỗi năm, vụ vải thiều mang lại cho người dân Lục Ngạn khoảng 1.300 tỷ đồng, đây là nguồn thu lớn đối với huyện miền núi này. Chính vì vậy, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để chủ động đưa ra những giải pháp đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, cũng như sự tích cực, khẩn trương của người dân và doanh nghiệp trong việc chuẩn bị thu hoạch và tiêu thụ vải thiều đã phần nào trấn an được nỗi lo lắng về điệp khúc "được mùa mất giá". Hy vọng rằng "vương quốc" vải thiều sẽ không phải nếm "trái đắng" trong mùa quả ngọt./.

Dương Trí/ Báo Hải Quan

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: